Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Giải mã sự thành công của công ty thương mại điện tử số một Việt Nam

Hà Nội 1.000 năm tuổi. Ngổn ngang bao sự kiện kỷ niệm. Con số 1.000 có thể đập vào mắt bất cứ người Hà Nội nào trên con đường mà họ đi mòn qua mỗi ngày. Khi nhìn vào số tuổi và vào chính thành phố, nhiều người yêu Hà Nội không thể không chạnh lòng hổ thẹn. Cảm xúc thoáng hiện, rồi thôi, mọi người lại quay trở lại với quỹ đạo cũ kỹ của mình. Trong những ngày này, có một người con của Hà Nội tâm sự, anh không muốn tham gia vào những sự kiện ồn ào, chỉ muốn lẳng lặng miệt mài làm việc góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Hà Nội và đất nước.
Người đó là anh Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam (website vatgia.com). Ở cái độ tuổi mới ngoài 30, sở hữu trong tay một trong những website thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam mà theo định giá của dân trong nghề lên tới khoảng 60 triệu USD, cùng 4 công ty con khác cũng thuộc dạng tiềm năng - đó có thể là thành công lớn ngoài-sức-tưởng-tượng với rất, rất nhiều người. Thế nhưng bản thân người trong cuộc lại nhìn nhận về những gì mình đang có một cách “nhẹ như không” bởi theo anh, thành công chỉ là một khái niệm mang tính tương đối và anh tự thấy rằng phía trước mình đang còn có rất nhiều “ngọn núi” cần phải tiếp tục vượt qua.


Anh Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc Công ty CP Vật giá Việt Nam (vatgia.com)

Từ khá lâu trước khi gặp Điệp, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về anh, về bước nhảy vọt của vatgia.com từ số 0 trở thành một thương hiệu dẫn đầu về thương mại điện tử chỉ sau đúng 3 năm và cả vụ việc xôn xao gần đây nhất giữa baokim.vn (công ty con của Vật giá) với một đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tất cả khiến tôi nửa tò mò, nửa nghi hoặc. Nhưng quả thực, chỉ sau 2 tiếng trò chuyện với Điệp cộng với một vòng tham quan văn phòng Vật giá, tận mắt chứng kiến những cộng sự của anh đang miệt mài làm việc, mọi sự nghi hoặc trong tôi đều tan biến.

Ấn tượng ban đầu của tôi là Điệp sở hữu khá nhiều tố chất của một doanh nhân thuộc thế hệ 8X - tư duy được lập trình sắc nét, khả năng phân tích nhạy bén, sự sáng tạo, quyết đoán, biết cách đặt mục tiêu, dám làm đến cùng. Và càng đối thoại, càng nghe Điệp trải lòng về tinh thần doanh nhân, về triết lý kinh doanh, về việc xây dựng mô hình tổ chức và văn hóa doanh nghiệp, tôi lại nhận ra thêm ở Điệp độ đằm, độ chín về tư duy và tầm nhìn - điều thường chỉ thấy ở những doanh nhân gạo cội.

Mạo hiểm chọn một lối đi… chưa ai từng đi

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời (Nhà may Phú Hưng với mười mấy cửa hàng tại Hà Nội), chẳng bao giờ phải lo toan đến những chuyện cơm - áo - gạo - tiền; thi đỗ vào một trong những trường đại học danh tiếng nhất (Đại học Ngoại thương), được học bổng sang Nhật du học rồi lại được nhận vào làm việc tại một doanh nghiệp có tiếng với mức lương thuộc hàng “khủng” - đó là “bệ phóng” khá hoàn hảo của Điệp.

Thế nhưng, Điệp lại không chọn cho mình một lối đi an toàn theo lẽ thường: nối nghiệp gia đình hay trở thành người làm thuê “số 1” mà lại đâm đầu vào một ngả đường chưa ai từng đi. Điệp “bén duyên” với vatgia.com khi mà trong tay chẳng hề có một chút kinh nghiệm cũng như am hiểu gì về lĩnh vực công nghệ thông tin lẫn thương mại điện tử.

Lý giải cho quyết định này, Điệp kể lại, từ năm thứ 4 đại học, Điệp đã đầu quân cho một công ty chuyên về xuất khẩu lao động, đầu tư, xuất nhập khẩu, tư vấn du học, du lịch, tổ chức event,… Và ý tưởng về kinh doanh thương mại điện tử bắt đầu manh nha thời anh sang Nhật Bản vừa học vừa làm. Hồi đó, bạn bè, người quen thường nhờ Điệp đặt mua máy tính, máy ảnh, camera, mỹ phẩm,… gửi về Việt Nam.


Bắt đầu từ số 0, vatgia.com đã trở thành một thương hiệu dẫn đầu về thương mại điện tử chỉ sau đúng 3 năm

Không có thời gian, lại không có điều kiện đi lại nhiều (chỗ Điệp ở tương tự như Huế, muốn mua hàng hóa phải ra Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh) nên anh bắt đầu mày mò đặt mua hàng qua mạng. Càng làm, càng khám phá những tiện ích của việc giao dịch, mua bán qua mạng, Điệp càng thấy ham mê. Anh bắt đầu để tâm nghiên cứu các website thương mại điện tử tại Nhật Bản. Tổng số hàng anh mua qua mạng trong thời gian này lên tới 3-4 triệu USD. Nhưng ý tưởng cũng mới chỉ dừng lại tại đó.

Là người có năng lực, lại làm việc cần mẫn, chỉ sau mấy năm, Điệp đã được chị Tổng Giám đốc tín nhiệm cho giữ chức Trưởng phòng về Nhật Bản, với mức lương cao ngất ngưởng, có tháng lên tới 10 ngàn USD/tháng. Ở tuổi 24 - 25 tuổi, Điệp đã tự mình mua nhà, mua xe mà không cần đến bất kỳ sự trợ giúp nào của bố mẹ. Thế cũng đã được coi là thành công nhưng Điệp không muốn giam mình mãi trong cái “vùng an toàn” ấy.

Đọc sách về các hiện tượng kinh tế của Nhật cũng như thế giới, anh ngẫm ra một điều: tất cả những tỷ phú giàu nhất trên thế giới đều tập trung vào 4 lĩnh vực chủ chốt: công nghệ, bất động sản, dầu lửa và phân phối. Đặc biệt, các công ty dẫn đầu trong lĩnh vực internet như Yahoo, Google hay Facebook,… đều được thành lập từ hai bàn tay trắng bởi những người rất trẻ.


Năm 2008, vatgia.com vinh dự được nhận giải thưởng Sao Khuê
dành cho giải pháp thương mại điện tử tiêu biểu

Ước muốn năm nào lại quay trở lại. Anh suy nghĩ: nếu tính trung bình 3 ngày mình tiếp đón một đoàn khách Nhật, 1 năm được khoảng 100 đoàn, tổng cộng khoảng 300 khách, chỉ bằng 1/1.000 số lượng khách Nhật Bản tới Việt Nam hàng năm. Nhưng nếu lập ra một website cung cấp các thông tin về giá cả hàng hóa, thị trường, thông tin đối tác tại Việt Nam, thì sẽ thu hút được tất cả những Nhật quan tâm tới Việt Nam. Tên miền vatgia.com được đăng ký vào cuối năm 2005.

Nhọc nhằn “hoài thai”

Điệp kể, ý tưởng ban đầu là xây dựng một website hoàn toàn bằng tiếng Nhật nhưng cuối cùng run không dám làm vì qua quá trình làm việc với người Nhật, anh hiểu rằng người Nhật yêu cầu tiêu chuẩn rất cao (ngoài thông tin đồng bộ còn yêu cầu hệ thống thanh toán, thẻ tín dụng,… kèm theo) nên làm thử tiếng Việt trước.

Hơn nữa, khi đó dân làm công nghệ thông tin không ai biết tiếng Nhật nên việc làm một site tiếng Nhật là điều khó có thể thực hiện được. Những bạn bè người Nhật của Điệp khi biết ý tưởng này cũng khuyên nhủ Điệp nên tập trung làm thị trường Việt Nam bởi với 80 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là một thị trường vô cùng tiềm năng cho thương mại điện tử, lại đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn, chưa có một công ty nào chiếm lĩnh.


"Đi một mình bạn sẽ đi nhanh, đi cùng đồng đội bạn sẽ đi được xa"

Vậy là Điệp quyết chí làm và làm bằng được dù chẳng ai tin rằng anh có thể đi đến cùng, ngay cả những người anh mời cộng tác. Lựa chọn làm website bằng tiếng Việt - tưởng là đã dễ dàng hơn nhưng hóa ra mới chỉ là khởi đầu cho hàng loạt khó khăn nối tiếp nhau. Cấu trúc dữ liệu của Vật giá được Điệp hình dung trong đầu rất phức tạp, đồ sộ và có rất nhiều tính năng. Điệp đã liên hệ với gần 20 công ty có tiếng về công nghệ thông tin ở Việt Nam để đặt hàng xây dựng vatgia.com nhưng đều bị lắc đầu từ chối vì quá khó.

Cuối cùng, Điệp chọn ra 5 người nghiên cứu độc lập để xây dựng Vật giá và chỉ duy nhất một người trụ lại được đến cùng. Làm ngày, làm đêm, 6 tháng sau thì website bắt đầu thành hình.

Khi mới bắt đầu làm, Điệp nhẩm tính với số vốn tích lũy vài trăm ngàn $ trước đó cộng thêm tiền lương, tiền cho thuê nhà đều đặn mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng (lúc này Điệp vẫn duy trì làm việc tại công ty cũ) thì có thể thu xếp ổn thỏa, lấy “tay phải” nuôi “tay trái”.

Ai dè, mới làm được 1 năm thì nguồn vốn bắt đầu cạn, mỗi tháng tiền lương Điệp phải trả cho nhân viên lên tới khoảng 200 triệu đồng trong khi nguồn thu lại chưa có. Điệp đã tính đến nước bán nhà đi để làm tiếp và xin đầu tư khắp nơi nhưng chỉ có mấy người bạn Nhật sẵn lòng giúp sức, người 5.000 USD, người 10.000 USD. Ở Việt Nam không có mấy ai am hiểu về lĩnh vực này nên không dám mạo hiểm đầu tư.

Được bạn bè giúp sức, đến tháng 07/2007, vatgia.com chính thức đi vào hoạt động. Tháng 03/2008, đánh giá được tiềm năng phát triển của Vật giá, IDG - Quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ đã nhanh chóng nhảy vào rót vốn cho vatgia.com với mức đầu tư lớn nhất so với các công ty thương mại điện tử tính đến thời điểm đó. Sau IDG, mấy quỹ đầu tư của Nhật cũng tiếp tục góp vốn. Điệp đã so sánh tình cảnh của Vật giá lúc đó giống như một cảnh tượng kinh điển trong bộ phim 2012 - khi máy bay bay là là trên băng, chỉ còn cách gang tấc là đâm sầm vào vách núi thì bắt đầu vọt được lên.

Có thêm nguồn vốn, vatgia.com nhanh chóng ổn định hệ thống và tạo nên những bước nhảy vọt. Đến đầu năm 2010, vatgia.com đã bắt đầu tạo ra dòng tiền dương - điều mà có lẽ chưa một website thương mại điện tử nào tại Việt Nam làm được.

Ước mơ tạo dựng một cuộc sống trên Internet

Điệp chia sẻ: “Tự đứng được” - đó mới chỉ là nấc thang đầu tiên. Đích đến của của Vật giá trong tương lai là “Living internet” - tạo dựng một cuộc sống trên internet, nơi con người có thể sử dụng internet để làm bất cứ điều gì mình mong muốn.


Mục tiêu của Vatgia.com là tạo dựng một hệ thống phục vụ con người thông qua internet - living internet

Tương tự như “đế chế” Google, có Gmail (thư điện tử), Google Search (tìm kiếm), Google Earth (Trái đất), Google Sky (vũ trụ), Google Ocean (đại dương) giúp con người thám hiểm, khám phá tất cả thông tin trên thế giới thông qua internet, Vật giá chỉ là bước đầu giúp Điệp xây dựng một thế-giới-ảo, để nhờ đó mà cuộc-sống-thực của con người trở nên tiện lợi hơn. Đó là nơi mọi người có thể đặt tour du lịch, đấu giá, mua bán, thanh toán, chơi chứng khoán, bảo hiểm, đặt nhà hàng, khách sạn, đào tạo trực tuyến,…

Khi tôi hỏi liệu trong bao nhiêu năm nữa Vật giá sẽ hoàn thành được mục tiêu đó, khác hẳn với những câu trả lời thông thường mà tôi thường được nghe như 5 năm, 10 năm hay 20 năm, Điệp lại thẳng thắn trả lời là “không bao giờ xong cả”.

Anh giải thích, các công ty vĩ đại như IBM, P&G,Johnson& Johnson,… không bao giờ xác định sẽ xây dựng một công ty trong mấy chục năm cả, định hướng của họ là xây dựng công ty theo hướng trường tồn mãi mãi với thời gian. Muốn làm được điều đó, mỗi công ty phải tạo ra cho mình một hệ giá trị cốt lõi có tính bất biến với thời gian.


Các giá trị cốt lõi của công ty được đặt trang trọng ở rất nhiều vị trí:
thang máy, cửa ra vào, dọc theo hai bên tường,... như một sự nhắc nhở

Bàn về triết lý kinh doanh, bàn về những nguyên tắc để xây dựng doanh nghiệp – cơ cấu tổ chức, văn hóa, Điệp đã chia sẻ cho tôi rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Những điều này không phải bản thân Điệp tự nghĩ ra mà trên cơ sở đúc kết, tổng hợp từ rất nhiều mô hình thành công trên thế giới. Và quan trọng hơn, Điệp đã thổi được vào những nguyên tắc khô cứng đó cái hồn, cái tư tưởng và tinh thần của chính bản thân mình, làm cho nó trở nên sống động, có sức mạnh lan tỏa tới từng nhân viên trong công ty.

1. Nguyên tắc cấp số nhân: người lãnh đạo không nhất thiết phải là người giỏi mà là người có tầm nhìn và khả năng định hướng, biết cách thu hút người giỏi sau đó kết hợp họ lại, tạo thành cấp số nhân. Trong kinh doanh và xây dựng doanh nghiệp, 1+ 1 không nhất thiết phải bằng 2 mà có thể bằng hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ, tất cả phụ thuộc vào khả năng kết nối của người lãnh đạo cũng như bản thân từng cá thể trong cộng đồng.
Điệp đưa ra so sánh, cả đất nước Việt Nam với gần 100 triệu dân, mỗi năm chỉ tạo ra giá trị khoảng 90 tỷ USD vì tính kết nối của người Việt Nam rất yếu. Trong khi đó, Google chỉ với khoảng 20.000 nhân viên lại tạo ra giá trị hàng trăm tỷ USD, vì bản thân mỗi cá của Google, khi kết nối với các nhân viên khác trong công ty, giá trị của họ sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Kết nối ở đây không phải bằng quan hệ yêu - ghét mà bằng văn hóa, bằng nguyên tắc, bằng giá trị sống, bằng mục tiêu chung để phát triển. Mục tiêu tối cao của Vật giá là tạo hệ thống phục vụ con người thông qua internet.
2. Không bao giờ thoả mãn với bản thân: Luôn đưa ra ý tưởng mới, cải tiến công việc, tăng tốc độ, giảm chi phí để mọi việc tốt hơn.


Các nhân viên được khuyến khích và tạo cơ hội phát triển không giới hạn

Các nhân viên trong Vật giá được công ty khuyến khích và tạo cơ hội phát triển không giới hạn bằng cách liên tục tự đặt ra cho mình những mục tiêu cao hơn. Ví dụ lương tháng này 3 triệu thì tháng sau phải là 4 - 5 triệu, năm sau phải là 10 triệu. Ở Vật giá, các nhân viên được tuyển dụng không căn cứ vào bằng cấp, kinh nghiệm hay thâm niên mà chỉ căn cứ năng lực và nguyên tắc “up or out” (phát triển hoặc ra đi) chính là bộ máy sàng lọc nhân sự của công ty. Đã có những nhân viên chỉ mới vào sau 2 tháng đã đạt được thu nhập 30 triệu đồng/tháng.
3. Biến công ty thành gia đình, nơi mọi người được yêu thương, chia sẻ như các thành viên trong một đại gia đình.
Chỉ cần bước chân vào văn phòng Vật giá, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận rõ nét sự thân thiện, gần gũi và ấm áp như bước chân vào một mái ấm gia đình. Trước cửa ra vào là máy đánh giày, sau cửa là tủ đựng giày dép nam, nữ được xếp sắp gọn gàng, ngăn nắp. Xen giữa những dãy bàn làm việc thẳng tắp là những lọ hoa, cây cảnh trang trí rất dễ thương. Ở khu giữa văn phòng được bố trí như một gian bếp nhỏ với lò vi sóng, tủ lạnh, khay đựng cốc chén,…


Văn phòng được bài trí như một mái nhà ấm áp,
máy đánh giày được đặt ngay trước cửa ra vào




Tủ giày nam, nữ được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng


Khu vực giữa văn phòng được bố trí như một gian bếp nhỏ với lò vi sóng...


... tủ lạnh


....khay đựng cốc chén sạch bong

Nhân viên được tùy ý trang trí bàn làm việc của mình, ngoài tài liệu bạn có thể dễ dàng bắt gặp những lọ hoa nho nhỏ, những chú gấu bông xinh xắn, những chùm bóng bay rực rỡ sắc màu. Dọc hai bên tường là những tấm bảng phân công nhiệm vụ của từng phòng, từng đội, từng nhóm được trang trí bằng tay với những câu tuyên ngôn rất đáng yêu như: “Đi một mình bạn sẽ đi nhanh, đi cùng đồng đội bạn sẽ đi được xa”,…


Lọ hoa và cây xanh trang trí giữa các dãy bàn làm việc


Bàn làm việc của Giám đốc không khác biệt với bàn làm việc của nhân viên.
Trên bàn còn một cuốn sách đang đọc dở....


Khác hẳn với các giám đốc khác thường có phòng làm việc riêng, trong văn phòng Vật giá, Điệp không lựa chọn cho mình một không gian riêng mà ngồi làm việc như mọi nhân viên khác trong văn phòng. Khi có việc muốn bàn bạc hay xin ý kiến chỉ đạo của Điệp, 300 nhân viên Vật giá không phải thông qua thư ký, trợ lý mà gặp thẳng trực tiếp.

Anh cho biết trong công ty có một trang thông tin riêng, nơi mọi người có thể thoải mái chia sẻ mọi vấn đề gặp phải trong cuộc sống cũng như trong công việc. Nếu một người gặp chuyện không may như mất xe, mất máy tính,… chỉ cần biết chuyện là mọi người trong văn phòng lại tự nguyện đóng góp, mỗi người một ít để giúp nhau vượt qua khó khăn. Điệp chia sẻ, chính những điều tưởng chừng nhỏ bé này sẽ giúp nhân viên cảm thấy yêu mến, gắn bó với công ty hơn và cống hiến hết mình cho thành công chung hơn.

4. Luôn quan tâm phát triển con người. Tạo cho mọi người cơ hội, quyền hạn, lợi ích tương ứng với năng lực để họ phát triển, thành công cùng công ty. Ở Vật giá, mọi nhân viên có khả năng thăng tiến không giới hạn.




Bảng tuyên dương thành tích của nhân viên


Ngoài việc tự đặt mục tiêu nâng cao thu nhập không ngừng như đã nói đến ở trên, mọi nhân viên của Vật giá đều có thể tự đề bạt mình lên các cấp trưởng phòng nếu có đủ số người đi theo mình. Các nhân viên trong công ty có toàn quyền chuyển sang các phòng ban khác nếu thấy thích hợp hơn. Trưởng phòng sẽ bị cách chức nếu có hơn 70% nhân viên bỏ phiếu bất tín nhiệm. Khi cấp dưới đã đồng thuận với nhau, thì việc cách chức này có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngược lại, người trưởng phòng cũng có toàn quyền tuyển dụng và sa thải nhân viên của mình.

Một nhân viên đã đi qua hết các nấc phát triển trong công ty, nếu đủ tự tin có thể tự đề cử thay thế chính giám đốc… Nguyễn Ngọc Điệp hoặc đứng ra phát triển một công ty con khác của Vật giá. Nguyên tắc này giúp tạo ra một cơ cấu tổ chức phát triển vô hạn, nơi mọi cá nhân đều có cơ hội phát triển ngang bằng nhau và cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của chính mình.

Hiện tại, ở cấp lãnh đạo cao nhất, Điệp đã đào tạo và trao quyền cho 4 người làm giám đốc 4 công ty con của Vật giá (hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, phân phối, tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm, du lịch). Trong tương lai sẽ tiếp tục mở ra 2 lĩnh vực nữa là chứng khoán, bảo hiểm. Đến lượt những lãnh đạo này, họ cũng phải tiếp tục đào tạo để xây dựng đội ngũ kế cận cho những công ty con tiếp theo.
5. Luôn nâng cao độ thỏa mãn của khách hàng. Không bao giờ tiếc thời gian, công sức để thỏa mãn khách hàng.
Mô hình hoạt động của Vật giá cũng như các công ty con được hình dung giống như một vòng tròn đồng tâm, trong đó khách hàng được đặt vào vị trí trung tâm. Vòng tròn tiếp theo là đội ngũ trực tiếp phục vụ khách hàng (nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, thiết kế,…). Tiếp đến là bộ phận hỗ trợ (kế toán, hành chính, nhân sự, nhập liệu…). Vòng tròn tiếp theo là đội ngũ lãnh đạo (giám đốc, phó giám đốc,…), tiếp theo là Hội đồng quản trị. Vòng tròn ngoài cùng là các cổ đông.
Trong mô hình đó, nếu xét theo quan hệ dọc thì giữa các vòng tròn cũng tồn tại mối quan hệ khách hàng, vòng tròn trong là khách hàng của vòng tròn ngoài: khách hàng --> đội ngũ trực tiếp phục vụ khách hàng --> bộ phận hỗ trợ --> đội ngũ lãnh đạo --> Hội đồng quản trị -->Cổ đông.


"Khách hàng là ông chủ duy nhất" - nguyên tắc tối thượng
mà bất cứ ai vi phạm sẽ phải trả giá bằng sự ra đi của chính mình


Bản thân Điệp và tất cả các nhân viên trong công ty khi giao dịch với khách hàng đều phải luôn tâm niệm: "Trong công ty chỉ có một ông chủ duy nhất đó chính là khách hàng. Khách hàng có thể đuổi việc bất kỳ ai chỉ bằng một hành động đơn giản: mua hàng của công ty khác".
Đây là nguyên tắc tối thượng, bất cứ ai phạm phải sẽ phải trả giá bằng chính sự ra đi của mình. Điệp cho biết anh đã từng cho một nhân viên kỳ cựu, gắn bó với công ty từ ngày đầu thành lập nghỉ việc chỉ vì người này khi bất đồng với chính sách mới của công ty đã trì hoãn việc gặp khách hàng khi họ yêu cầu. Trong Vật giá, mọi người phải đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng bất cứ lúc nào, chuyện nội bộ có thể giải quyết sau.
“Mục tiêu của các công ty vĩ đại là làm một chiếc thang, kéo dài vô tận từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, nhiệm vụ của chúng ta là hàng ngày, hàng giờ đưa công ty tiến lên từng nấc thang một”. Lấy câu nói đó để răn mình, khi nhìn lại chặng đường mà Vật giá đã đi qua, những gì mà mình đã đạt được, Điệp cho rằng mình vẫn đang đứng ở điểm khởi đầu, trước mắt anh còn rất nhiều “ngọn núi” mà anh và các cộng sự phải đồng lòng để chinh phục và vượt qua.

Bởi thế, nên ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến nay - khi Vật giá đã gây dựng được thương hiệu mạnh và bắt đầu có doanh thu, lịch làm việc mỗi ngày của Điệp vẫn không hề thay đổi: vẫn dậy vào lúc 5h sáng, tập thể dục 30 phút mỗi ngày, đọc sách (Điệp duy trì thói quen đọc mỗi ngày 1 cuốn sách), 7h sáng tới văn phòng làm việc đến 9h tối.

Nghe đến đây, tôi mới hiểu tại sao, trong suốt cuộc trò chuyện, Điệp đã mấy lần nhắc đi nhắc lại rằng: bí quyết duy nhất để thành công là chả có bí quyết gì cả, bạn chỉ cần làm việc chăm chỉ và không bao giờ được thỏa mãn với bản thân. Muốn đạt được điều gì, điều quan trọng không phải là Nghĩ, mà là Làm – phải dám làm, dám đương đầu với thử thách, thì bạn mới có thể đúc rút được kinh nghiệm, mới có cảm quan tốt để xử lý khéo léo mọi tình huống, vượt qua mọi thử thách tiếp theo cho dù có khó khăn đến mấy.

Trong suốt thời gian phát triển công ty, điều làm Điệp hao tổn tâm trí nhất chính là làm sao nâng cao được ý thức của người mua, người bán, khi mọi người có ý thức, trách nhiệm với những hành vi của mình trên internet mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn. Hy vọng trong thời gian tới, người Việt Nam sẽ khắc phục được những thiếu sót này để thương mại điện tử có thể trở thành một lĩnh vực mũi nhọn thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đất nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Favorites More