Thành Đạt

Thành đạt không phải ở người giúp đỡ mà chính do lòng tự tin. (A. Braham Lincoln )

Bí quyết của sự thành công – nếu có - đó là khả năng tự đặt mình vào địa vị người khác và xem xét sự vật vừa theo quan điểm của họ vừa theo quan điểm của mình. (Henry Ford)

Người bị vấp ngã là người dám liều mình. Qua cách họ đối phó với sai lầm, ta có thể đoán dược cách họ giải quyết khó khăn trong tương lai. (Bill Gates)

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Người thành đạt cá biệt

TTCN - Từ một giám đốc tiếp thị Cty Pepsi VN, trở thành giám đốc marketing toàn cầu của một Tập đoàn Pepsi, Trần Bảo Minh (36 tuổi) còn là người châu Á đầu tiên được chọn vào chức vụ quan trọng này ở một tập đoàn kinh doanh nước giải khát lớn nhất nhì thế giới.

Có những ký ức không thể lãng quên, dù là một ký ức không vui. Cũng như bao đứa trẻ phải liên tục chuyển trường theo công việc của cha mẹ, vào đầu năm học cấp III, Trần Bảo Minh từ Nha Trang chuyển về học tại Vũng Tàu. Ngoài môn văn được Minh yêu thích (và học rất khá), các môn còn lại đều làng nhàng, đặc biệt hai môn toán và lý thì rất tệ. Nói năng bạt mạng, hay châm chọc bạn bè, dốt toán... Minh nhanh chóng bị liệt vào học sinh cá biệt.

Cho đến giữa năm lớp 10, trái tim của chàng trai mới lớn này mới thật sự cảm thấy bị tổn thương khi thầy giáo phân công cô bạn gái kèm Minh môn toán. Tuổi học trò, lần đầu tiên Minh thấy xấu hổ vì học dốt hơn... con gái.

Chơi cá biệt, học cá biệt thì ý chí cũng cá biệt. Ngay đầu hè lớp 10, Minh quyết định vào Sài Gòn để chỉ luyện hai môn: toán, lý. 90 ngày Minh đóng cửa cùng thầy ôn lại tất cả những kiến thức cơ bản của hai môn này. Bất ngờ đầu tiên: được bầu chọn làm lớp phó học tập giữa năm lớp 11 và trở thành lớp trưởng gần cuối học kỳ hai. Đặc biệt, cuối năm lớp 11, sự kiện Trần Bảo Minh - vốn là học sinh cá biệt cùng lúc được chọn vào hai đội tuyển giỏi toán, lý đã trở thành chuyện khó quên của lứa học trò khối 11 Trường PTTH Vũng Tàu thời 1984-1985.

Bài học đầu đời

Với sức học như vậy, không có gì khó khăn khi Bảo Minh trở thành thủ khoa của toàn tỉnh thời bấy giờ khi thi vào Trường đại học Kinh tế đạt 20,5 điểm. Tuy nhiên, trò chuyện với chúng tôi trong phòng khách nhà mình, Bảo Minh thẳng thắn nhìn nhận anh chỉ có mục tiêu học trong sáu tháng đầu tiên của đại học (thời đó, trong sáu tháng đầu nếu đạt số điểm tiêu chuẩn, các sinh viên sẽ được chọn đi Nga học). Sự thông minh, nhanh nhạy không đủ để Minh thực hiện mục tiêu của mình khi Minh rớt môn lịch sử Đảng.

Ở lại học trong nước với chuyên ngành kinh tế quốc dân, hơn ba năm rưỡi đại học trôi qua với kết quả trung bình thì đến kỳ thi tốt nghiệp cậu sinh viên K12 này lại một lần nữa thể hiện sự “cá biệt” của mình khi chuẩn bị thi đúng vào dịp World Cup 1990. Quá mê bóng đá, Minh đã bỏ ngoài tai lời khuyên của bạn bè và giấu cả gia đình, bỏ thi, tập trung... xem bóng đá để sang năm thi lại.

Nhờ uy tín của cha (giám đốc một ngân hàng), chàng sinh viên chưa tốt nghiệp dễ dàng được nhận vào thực tập tại một công ty lớn. Thời gian cứ lặng lẽ trôi và đột biến xảy ra khi Minh gặp một người bạn của chú ruột mình (trong những ngày thực tập nhàm chán ấy), với câu nói: “Người ta có thể có tất cả tiền tài, danh vị nhưng cũng có thể mất tất cả. Chỉ duy nhất có một thứ không bao giờ mất và luôn nằm mãi trong đầu mình, đó là kiến thức”.

Khác hẳn với sự tự ái tuổi học trò năm năm trước, lần này Minh thật sự tỉnh ngộ. “Ý nghĩ không thể tồn tại giữa đời với cái đầu trống rỗng luôn khiến tôi trăn trở”. Lại một lần nữa Minh lao vào học để thi tốt nghiệp và sau đó quyết định đi du học tự túc tại Úc với ý định nâng cao kiến thức. Dù người tư vấn cho Minh lúc bấy giờ chỉ đề nghị anh theo học một khóa về quản lý kinh tế, nhưng mê marketing nên Minh quyết định học cao học và ghi tên thi vào Trường Metropolitan Business College (MBC). Anh là một trong ba sinh viên VN thi đậu vào trường này năm 1991.

Thăng trầm và thành công

“Hôm nay tôi muốn giới thiệu một người mà tôi đã có những nhận xét sai lầm, người đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ của tôi trong thời gian qua, người đã mang lại cho tôi sự thú vị đến ngạc nhiên... đó là Minh Trần Bảo, giám đốc marketing Pepsi VN” - ổng giám đốc Công ty Pepsi khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chris O’ Donohue đã giới thiệu về Trần Bảo Minh như vậy trước khi anh lên nhận giải thưởng “Giám đốc marketing xuất sắc nhất châu Á - Thái Bình Dương” của Công ty Pepsi tại Bali tháng 12-2001.

Điều gây ngạc nhiên cho vị lãnh đạo cao nhất của Pepsi khu vực là chính ông trước đó gần một năm đã không đồng ý giao nhiệm vụ này cho người VN khi giám đốc cũ người nước ngoài được điều động làm công việc khác.

Sau khi tốt nghiệp về nước, Minh khởi đầu sự nghiệp bằng việc làm quảng cáo bán hàng của Công ty Intel. Dù công việc khá nhàn, lương cao nhưng không đúng với ước mơ của mình là thiết lập một chiến lược về tiếp thị dài hạn, Minh quyết định xin chuyển về Công ty IBC khi đậu trong kỳ tuyển chọn quản lý nhãn hàng. Tuy nhiên, kiến thức của một thạc sĩ kinh tế chuyên về marketing lúc bấy giờ chỉ được coi là lý thuyết suôn so với những nhà kinh tế gạo cội nhiều kinh nghiệm, và Bảo Minh được coi như hàng “tồn kho” khi ba năm liền lang thang ở các bàn bida nhiều hơn có mặt ở công ty.

Lý do gì khiến Minh không chuyển công ty khi không được trọng dụng?

Tôi tin vào tiềm năng của công ty và sẽ có sự thay đổi bởi công ty sẽ không đứng vững nếu không có một chiến lược tiếp thị hiệu quả, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng”.

Nhưng niềm tin cũng phải chờ đến hơn ba năm mới trở thành hiện thực. Năm 1999, thị phần giảm nghiêm trọng và Công ty Pepsi phải có một loạt thay đổi đưa hàng loạt giám đốc người nước ngoài vào thay thế người Việt và tập trung cho công tác marketing. Nhưng Bảo Minh lúc bấy giờ vẫn là một giám đốc nhãn hàng với nhiệm vụ chính là thực hiện tốt các chỉ thị của “sếp” trong việc thực hiện các bảng quảng cáo…

Cơ hội bắt đầu hé mở khi tổng giám đốc mới (Gau Tham) nhận chức, trực tiếp phỏng vấn các cán bộ đầu ngành, và sau cuộc phỏng vấn này Bảo Minh thật sự được làm công việc mà mình đã học. Gần như ngày nào cũng vậy, từ 8g - 22g chàng trai này đã cùng các nhân viên trẻ của mình miệt mài thực hiện các chương trình về bán hàng, đề ra kế hoạch về tiếp thị công cộng và truyền thông… Nhưng dù làm đến 80% công việc của một giám đốc tiếp thị thì khi giám đốc marketing người nước ngoài chuyển công tác, Minh vẫn không được bổ nhiệm thay thế.

Lại thêm một cơ hội hé mở khi tổng giám đốc lúc này là người VN (anh Phạm Phú Ngọc Trai) hết lòng đề cử Minh, thậm chí cam kết với chủ tịch vùng bằng chính uy tín của mình. Và với sự đề cử này, chủ tịch Tập đoàn Pepsi khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chris O’ Donohue buộc phải chấp nhận để Minh thử việc. Ước mơ được chắp cánh. Hàng loạt chương trình tiếp thị do Minh khởi xướng tung ra tạo tiếng vang lớn trong giới. Ân tượng nhất là: Từ World Star Challenger đến ngày hội kỹ thuật bóng đá Pepsi (giải thưởng chương trình marketing xuất sắc nhất khu vực). Tháng 10-2001, Trần Bảo Minh được chọn đảm nhận chức giám đốc marketing của một công ty quốc tế.

Gần như không có gì để kìm hãm sức sáng tạo và khả năng lao động đến đam mê của chàng trai này. Năm 2002, Pepsi thành công với hàng loạt sản phẩm mới từ nước tinh khiết Aquafina, Mirinda, đến các sản phẩm hương vị trái cây. Nhưng dấu ấn đậm nét nhất và cũng thành công nhất của công tác marketing là việc đưa sản phẩm nước tăng lực Sting (2002) và Twister (2003) vào thị trường.

Từ loại nước tăng lực với thành phần chủ yếu là chất taurinne qua nghiên cứu ở thị trường châu Á với chất nhân sâm được yêu chuộng, giám đốc marketing Trần Bảo Minh đã quyết định đưa chất này vào nước tăng lực để tăng hiệu quả thuyết phục người tiêu dùng. Từ nghiên cứu người VN có thói quen dùng nước cam với đá, đường, Minh đã đưa ra sự kết hợp giữa nước tinh khiết, đường với tinh bột cam thay cho sản phẩm Twister kiểu Ân Độ (đặc sệt của cam nguyên chất dùng để ăn chay) thành nước cam Twister kiểu VN hiện nay.

Có thể nói năm 2003 là năm thành công của Công ty Pepsi VN khi các nhãn hàng Sting tăng 30%, Aquafina tăng 80%, các loại nước trái cây tăng 150% và các sản phẩm chủ lực (Pepsi, PepsiX, Mirinda...) cũng tăng 9%... Kết quả này có công sức đóng góp không nhỏ của Minh.

Nhận xét về Minh, tổng giám đốc Công ty Pepsi VN Phạm Phú Ngọc Trai khẳng định: Minh đã là người VN đầu tiên thay thế công việc vốn của người nước ngoài (giám đốc marketing) tại VN thì việc được chọn vào “tổng hành dinh” của Tập đoàn Pepsi tại Mỹ là một sự phát triển hãnh diện của lớp trẻ...

Dự tính tương lai

Vượt qua thử thách sau 45 phút trả lời phỏng vấn lãnh đạo cao nhất của tập đoàn tại London, Trần Bảo Minh chính thức được giao trọng trách là giám đốc marketing toàn cầu của Tập đoàn Pepsi.

* Từ một thị trường nhỏ với sản lượng 18 triệu két/năm sang đảm nhận công tác marketing của một thị trường với gần 3 tỉ két/năm (trừ Canada và Mỹ), Minh có cảm thấy âu lo?

- Đây là một sự tín nhiệm nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Nhưng lo nhất vẫn là phải chứng minh được khả năng của người châu Á và người VN. Tuy nhiên, tôi tin mình sẽ làm được bởi có sự hỗ trợ của một bộ máy chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Điều tập đoàn cần ở tôi là sự sáng tạo, mà điều này thì người VN chúng ta không thiếu.

* Là một giám đốc trẻ, anh có dự tính gì cho công việc mới của mình?

- Tiếp tục chương trình đa dạng hóa sản phẩm nhưng tập trung “vùng hóa”. Có nghĩa là phát triển sản phẩm trên cơ sở khai thác thói quen của người tiêu dùng từng khu vực, từng quốc gia.

* Là một người thành đạt, anh có lời khuyên gì với các bạn trẻ?

- Cần tự tin, có khát vọng nhưng phải học hỏi và lao động bằng sự đam mê, đặc biệt là phải có tính kiên nhẫn (cười).

o0o

Chợt nhớ tới một câu tâm sự thoáng qua của anh: “Cuộc đời là một sự chinh phục. Chinh phục chính mình và chinh phục mọi người để có ích cho nhiều người”. Nghe như một triết lý nhưng cũng là một khát vọng giữa đời của giới trẻ hôm nay.

LÊ HOÀI NAM

Bí quyết thành công của người giàu nhất Trung Quốc 2010

Sở hữu 42 công ty con và 18 khách sạn năm sao, Vương Kiện Lâm đã vươn lên dẫn đầu danh sách các tỷ phú Trung Quốc năm 2010.

Với tổng tài sản lên tới 40,11 tỷ NDT (khoảng 6 tỷ USD), Vương Kiện Lâm (56 tuổi) đã từ vị trí 37 vào năm 2009 vươn lên vị trí số 1 và trở thành người giàu nhất Trung Quốc theo bình chọn của tạp chí New Money.

Năm 1970, khi đó Vương Kiện Lâm mới tốt nghiệp trung học cơ sở, cha ông đã quyết định gửi ông vào rèn luyện trong quân đội. Tháng 11 năm 1970, đơn vị ông phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn hơn nhưng Kiện Lâm chỉ bị giao nhiệm vụ lắp súng và vác quân trang. Ngày nào ông cũng phải đi trong tuyết trắng 40 km. Đối với một đứa trẻ mới 15 tuổi như ông lúc đó quả là quá gian nan.

Nhờ sự kiên trì và thông minh, tới năm 28 tuổi, Vương Kiện Lâm đã được bầu làm cán bộ trẻ nhất trong quân đội. Tuy nhiên tới năm 1987, ông đã từ bỏ sự nghiệp trong quân ngũ. 17 năm sống trong quân đội có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của ông sau này.

Cho tới bây giờ khi đã trở thành chủ tịch tập đoàn Vạn Đạt, ông vẫn luôn gọi đồng nghiệp của mình là “anh em” như trong quân ngũ. “Hạnh phúc của tôi rất đơn giản đó là làm sao cho anh em có cái ăn, cái mặc và kiếm được nhiều tiền”. Mặc dù vậy, trong tập đoàn của ông không có ai là người thân vì theo ông nếu bỏ cách quản lý theo kiểu gia đình trị thì sẽ có lợi hơn cho tập đoàn.

Vì vậy mà ông quản lý tập đoàn của mình như quản lý trong quân đội, tất cả các nhân viên của Vạn Đạt đều phải đọc cuốn “Binh pháp Tôn tử” sau đó ghi chép lại theo cảm nhận của mình và lên thuyết trình theo chủ đề.

Năm 1988, Vương Kiện Lâm thành lập Vạn Đạt. Từ chỗ đang đảm nhận chức chủ nhiệm văn phòng chính quyền khu Tây Cương thành phố Đại Liên ông đã xin làm quản lý công ty khai thác nhà đất Tây Cương, một công ty đang đứng bên vực phá sản khoản nợ lên tới 1, 49 triệu NDT.

Trước đó nửa năm, ông mới xuất ngũ và chuyển tới Đại Liên nên nhà đất, điều hành đều là những vấn đề còn rất xa lạ với ông. Tuy nhiên ông đã nhanh chóng lựa chọn cách mà trước đây không ai dám làm đó là xây khu đô thị mới. “Do tiền giải phóng mặt bằng, giá thành cao nên không ai dám làm, chúng tôi là những người đầu tiên” –Ông nói. Thực tế, Vạn Đạt cũng không có biện pháp nào khác, hơn nữa việc xây đô thị mới lại được chính phủ ủng hộ.

Khi đó tại phía Nam thành phố Đại Liên có một khu ổ chuột trông rất mất mỹ quan nên chính quyền thành phố đã giao cho công ty của Vương Kiện Lâm thích xây dựng bao nhiêu cũng được. Ngay sau đó, ông đã về nhà và lên kế hoạch cụ thể, mỗi mét vuông đất cao nhất ở Đại Liên giá 1200 NDT nhưng không hiểu tại sao không ai muốn làm.

Khu ổ chuột năm nào giờ đã trở thành “đường Bắc Kinh” nổi tiếng ở Đại Liên nhờ vào sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm của Vương Kiện Lâm. Chỉ trong vòng 1 tháng, ông đã bán hết 800 căn hộ và thu về hàng chục triệu NDT.

Tập đoàn Vạn Đạt không chỉ nổi tiếng về bất động sản mà còn được nhiều người biết tới với bóng đá, cho tới giờ vẫn có nhiều người lầm tưởng Vạn Đạt là một công ty thể thao.

Vạn Đạt cũng là tập đoàn đầu tiên đầu tư vào môn thể thao vua này tại Trung Quốc. Vương Kiện Lâm cho hay, năm 1994, chủ tịch thành phố Đại Liên tìm tới ông và nói rằng muốn tổ chức giải bóng đá trong nước, ông cũng là một người hâm mộ bóng đá nên ông đã thành lập Câu lạc bộ bóng đá Vạn Đạt. Sau đó, giải bóng đá trong nước trở nên sôi động hơn và Vạn Đạt đã trở thành câu lạc bộ luôn giành giải nhất, lập kỷ lục thắng 55 trận liên tiếp.

Theo Sầm Hoa

Vietnamnet

Có phải đại học là con đường duy nhất để thành đạt?

Lê-nin đã từng có một câu nói rất nổi tiếng “học, học nữa, học mãi”. Câu nói đó đã trở thành kim chỉ nam cho các bạn trẻ ngày nay phấn đấu học tập. Nhưng điều bất cập nhất là: không phải ai cũng có khả năng và đủ sức, đủ điều kiện để vào đại học. Và quan trọng là, có nhiều con đường khác nhau để thành đạt và mang lại thành công nhưng các bạn trẻ chẳng dám tin vào con đường đó mà đổ dồn vào một con đường duy nhất: con đường đại học.

Đã có nhiều cuộc tranh luận, nhiều diễn đàn bàn về vấn đề này nhưng xem ra vẫn chưa giúp các bạn trẻ xóa bỏ quan niệm đó. Nhiều người vẫn lao vào đại học bất chấp hoành cảnh gia đình không cho phép, bất chấp sức học của mình dưới mức trung bình, cố gắng bằng mọi giá có được tấm bằng đại học. Đấy, như pà chị con ông chú mình là một thí dụ rõ nhất. Chị này đã 25 tuổi rồi nhưng vẫn chưa từ bỏ ý định thi đại học. Bởi lẽ, chị quan niệm đại học là con đường duy nhất để mình làm giàu và mang lại thành công. Mặc dù trước đó, chị đã đầu cao đẳng ngay từ năm đầu. Và năm nay chị tiếp tục thi đại học. Đó là chưa kể hàng trăm, hàng ngàn bạn học sinh trên cả nước cũng đang ôm mộng vào đại học và phấn đấu vào đại học cho bằng được.

Cũng đúng thôi, mọi người cứ nghĩ mà coi, lướt qua một số trang báo tìm việc chỉ thấy các công ty, xí nghiệp đăng tuyển toàn là bằng đại học không hà. Còn nếu xin làm ở cơ quan nhà nước thì bằng đại học vẫn là sự ưu tiên số 1. Đó là chưa kể mức lương cũng căn cứ vào bằng cấp luôn. Khi mà cả cơ quan nhà nước và tư nhân đều trả lương đại học là cao nhất tiếp đến là cao đẳng rồi mới đến trung cấp. Chính vì lẽ đó, hầu hết các bạn trẻ ngày nay ai cũng phấn đấu vào đại học cho bằng được đó cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng thi đậu đại học là một chuyện, đủ điều kiện học không là một chuyện khác và ra trường có việc làm không là một việc khác nữa. Không phải ai cũng đậu đại học ra cũng đều có việc làm và làm lương cao như các bạn trẻ nghĩ đâu à nghen. Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong năm 2006 có tới 37% sinh viên ra trường thất nghiệp trong đó phần đông là đại học. Hay như nhiều đứa bạn trong xóm mình, học đại học ra trường thất nghiệp cả đám hiện đi phụ hồ, làm rẫy cùng ba mẹ.

Tuy nhiên, hiện tại trong xã hội có nhiều người không cần học đại học nhưng vẫn thành đạt đó thôi. Điển hình nhất như Tuấn bạn học chung lớp mình. 3 năm học phổ thông, bạn ấy là học sinh giởi nhất nhì trong trường. Tốt nghiệp 12, ai cũng nghĩ là bạn ấy sẽ thi bách khoa hay kinh tế gì đấy. Nhưng đùng một cái, Tuấn lại học trường trung cấp ở tỉnh. Ngôi trường mà những thằng học dở nhất lớp mình chê lên chê xuống. Sau khi tốt nghiệp, bạn ấy xin làm nhân viên bảo trì của một nhà máy cơ khí ở Nha Trang. Vốn là người cần cù, chịu khó học hỏi nên trong quá trình vận hành, Tuấn đã cải tiến nhiều thiết bị mang lại nhiều lợi ích cho nhà máy. Sau đó, được công ty cử đi học ở nuớc ngoài. Hiện tại, bạn í làm giám đốc sản xuất với mức lương lên đến vài chục chai. Hay nói đâu xa, như những tỷ phú nổi tiếng trên thế giới nhiều người học chưa hết phổ thông nhưng giàu kinh khủng, như là Bill Gate, Steve Jobs, Lawrence Ellision hay Roman Abramovich

Trước đây, mình cũng từng ôm mộng vào đại học như bao bạn trẻ hiện nay. Nhưng nhận được nhiều lời khuyên của bạn bè và gia đình nên mình từ bỏ ý định. Theo mình nghĩ, có nhiều con đường để giúp bạn trẻ thành đạt chứ đại học không phải là con đuờng duy nhất. Tuy nhiên, nhìn mức lương trung cấp của mình so với lương của những đứa bạn học đại học nhiều khi cũng thấy chạnh lòng. Còn các bạn nghĩ sao, liệu đại học có phải là con đường duy nhất để thành đạt không?

Con đường làm giàu của những tỷ phú Châu Á

Nhiều đại gia Châu Á đã phải khổ sở trong một thời gian dài để thiết lập nên địa vị của mình. Không ít người trong số họ nhờ vợ và gia đình vợ đã trở nên giàu có.

Trung Quốc có một câu tục ngữ nổi tiếng nói về sự giàu có ba đời: một thế hệ làm nên gia sản, thế hệ tiếp theo giữ gìn nó và thế hệ thứ ba sẽ đánh mất nó. Kinh nghiệm thực tế trong hàng trăm năm qua chỉ ra một trình tự bốn thế hệ, trong đó thế hệ đầu tiên thiết lập một hạt nhân vốn liếng mà thế hệ thứ hai, nhờ quan hệ với giới quyền lực chính trị được cải thiện, sẽ nâng nó lên thành một tài sản lớn.
Sau đó, thế hệ thứ ba cố gắng giữ gìn một khối tài sản vô cùng đa dạng phản ánh tính cách cá nhân độc đáo và các mối quan hệ của người cha. Đến thế hệ thứ tư, vì thiếu sự chuyên tâm trong công việc này, và có sự phân rã của các mối quan hệ ban đầu mà các đế chế doanh nghiệp được xây dựng dựa trên đó - điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp dựa trên gia đình hơn là quản lý chuyên nghiệp - sẽ làm cho khối tài sản đó sụp đổ.

Câu chuyện từ nghèo khổ trở nên giàu có trong một thế hệ có lẽ là ngoại lệ. Adrian Zecha, một trùm kinh doanh khách sạn sang trọng bậc nhất của châu Á -người rất hiểu biết về các đại gia đương đại, nói: tạo ra khối tài sản khổng lồ trong một thế hệ là rất khó khăn bởi đây không phải là một xã hội kinh tế mở."Bạn có thể làm được như vậy ở Mỹ, mức độ thấp hơn ở Anh, mức độ thấp hơn nữa vẫn có thể thấy ở lục địa châu Âu. Nhưng ở đây thì không", ông trùm này nhận xét.

Wang Gungwu, một nhà văn sáng tác nhiều về người Trung Quốc ở hải ngoại thường trú tại Đại học Quốc gia Singapore, đồng tình: “Tôi vẫn chưa thấy một doanh nhân nào khởi nghiệp với xuất thân là người cu-li".

Mặc dù vậy, như một truyền thống lâu đời, các đại gia thường thần thoại hóa nguồn gốc xuất thân khiêm tốn và cuộc đấu tranh để thoát khỏi nanh vuốt của đói nghèo của mình. Một ví dụ cổ điển là doanh nhân giàu nhất Thái Lan, và nguyên là Thủ tướng - ông Thaksin Shinawatra.

Ông tuyên bố trong một bài phát biểu tại Manila năm 2003: “Do xuất thân từ một gia đình khiêm tốn... Tôi hiểu được những khó khăn của sự đói nghèo ở các vùng nông thôn. Tôi biết được tầm quan trọng của việc đạt được phần thưởng bằng cách làm việc chăm chỉ".

Trong thực tế, gia đình Thaksin là một triều đại tồn tại lâu đời đến từ Chiềng Mai, kinh doanh các nông trại, rồi chuyển sang tơ lụa, tài chính, xây dựng, và sau đó là bất động sản. Thaksin học tại các trường địa phương tốt nhất, sau đó là học viện quân sự, rồi kết hôn với con gái một vị tướng. Sự thăng tiến của ông qua các cấp bậc trong lực lượng cảnh sát Thái và sự nhượng bộ trong kinh doanh của nhà nước đã được rất nhiều người trong cuộc kể lại.

Tại Hong Kong, đại gia giàu nhất châu Á Lý Gia Thành, rất say sưa với danh tiếng mình là con trai của một giáo viên đến Hong Kong năm 1940 chẳng một xu dính túi. Trang web chính thức của ông tại Cheung Kong Holdings tuyên bố: “Đặt lên vai trách nhiệm chăm lo sinh kế của cả gia đình, ông Lý buộc phải nghỉ học khi 15 tuổi và tìm được công việc trong một công ty kinh doanh nhựa, nơi ông phải lao động 16 giờ một ngày. Đến năm 1950, vì tinh thần làm việc hết mình, sự thận trọng và quyết tâm theo đuổi thành công, ông xây dựng nên công ty riêng của mình. Đó là công ty Cheung Kong Industries”.

Trong thực tế, Lý đã được đi học một vài năm và sau đó bắt đầu làm việc cho người chú giàu có (gia đình đã từng sở hữu công ty Chung Nam Watch Co. ở Hong Kong). Sau đó, ông trở thành một phần của nhóm những người dẫn đầu các đại gia quan trọng, nhờ kết hôn với con gái ông chủ.

Người vợ đã quá cố của Lý, Amy Chong Yuet-ming, là em họ ông - con gái của người chú giàu có. Doanh nghiệp mà Lý làm việc trong thực tế thuộc về bố vợ ông; và những gì Lý làm được là tổ chức các hoạt động. Một bạn tình trong thời gian dài của Lý cho biết, mẹ vợ cũng giúp thêm cho ông về mặt tài chính.

Kết hôn với con gái của ông chủ không phải là không phổ biến trong quá trình phát triển của các tỷ phú châu Á. Một ví dụ nổi tiếng của Singapore là trùm tài phiệt Lý Quang Tiền. Năm 1920, Lý Quang Tiền đã kết hôn với con gái của Trần Gia Canh và trở nên thành đạt bảy năm sau đó, với tư cách là thủ quỹ trong doanh nghiệp của bố vợ trước khi tách ra thành lập doanh nghiệp của riêng mình.

Trịnh Dụ Đồng, người sáng lập công ty vận tải biển Orient Overseas Line và là thân sinh của thống đốc đầu tiên của Hong Kong sau khi trao trả thuộc địa, Đổng Kiến Hoa, có được gia sản nhờ cuộc hôn nhân với gia đình họ Khâu danh tiếng ở Thượng Hải.

Trong thế hệ hiện tại, Trịnh Dụ Đồng của tập đoàn New World cũng do hôn nhân mà có được công ty kinh doanh đồ trang sức Chow Taifook có mặt ở khắp Hong Kong.

Trích cuốn sách"Những bố già châu Á"do Alpha Books ấn hành

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Mười bí quyết của người thành đạt cao

Dưới đây là mười câu hỏi có thể giúp bạn thẩm định xem mình có hội đủ những yếu tố cần thiết để trở nên người thành đạt cao. Để đạt kết quả tốt nhất, hãy trả lời những câu hỏi này bằng cách tự đánh giá nghiêm túc chính mình
1. Có thực sự muốn trở thành người thành đạt cao không? Để trở thành người thành đạt cao đòi hỏi phải đầu tư cho bản thân một cách cơ bản và phải biết giữ kỷ luật bản thân rất nghiêm túc. Người thành đạt cao thường ngày đêm trăn trở với riêng mình. Khi làm việc trong một môi trường náo nhiệt, họ tìm sự yên tĩnh trong tư tưởng bằng cách ngăn chặn không cho lọt vào tâm trí tất cả những gì ở xung quanh có thể làm phân tâm. Thứ đến, người thành đạt cao thường xuyên ở trong các hoàn cảnh mới. Những người thành đạt cao sẵn sàng đón nhận các rủi ro ấy. Thứ ba, người thành đạt cao thường phải chịu cảnh hẩm hiu bị các đồng nghiệp gạt ra rìa. Nếu bạn nghiên cứu tiểu sử những người thành đạt cao, những người thân cận nhất của họ cũng thường không tài nào tin được tương lai lớn của họ.

2. Có một thôi thúc nội tâm mãnh liệt muốn vươn lên không? Thôi thúc sáng tạo, thành công, vươn tới những kinh nghiệm mới giống như một lò xo bị nén trong lòng người thành đạt cao.

3. Đối với bạn điều gì là quan trọng nhất? Câu hỏi chính của người thành đạt cao không bao giờ là “Bạn đã làm gì?” mà là “Bạn đã trở thành người như thế nào?”. Thước đo chân giá trị một người là ở những gì người ấy quý trọng. Bạn đặt bao nhiêu giá trị vào những phẩm chất như: lòng tự trọng, niềm tự hào thành đạt, nhân sinh quan tích cực – là những nhân tố tối cần thiết để trở nên người thành đạt cao.

4. Sẵn lòng đầu tư những gì? Thành đạt cao đòi hỏi một khối lượng năng lực, thời gian, nỗ lực và tâm nguyện lớn. Câu trả lời là bạn phải sẵn sàng đầu tư tất cả mọi thứ cần thiết.

5. Sẵn lòng chịu đựng đến mức nào? Các vấn đề của cuộc sống như dòng thác thế nào cũng đổ xối xả xuống cá nhân có quyết tâm trở nên người thành đạt cao. Người quyết chí thành đạt cao phải học chịu dựng gian khổ và chuyển những khó khăn thành cơ hội. Phàn nàn bị đời bạc đãi, ca cẩm những chướng ngại gặp phải chỉ có hại mà thôi. Khi đường đi trở nên khó: chỉ nhữngkẻ yếu đuối mới kêu than; người thành đạt cao “sang số” và đi tiếp.

6. Sẵn lòng từ bỏ những gì? Hầu hết mọi người đều mãn nguyện với việc tìm kiếm những tiện nghi hơn là chịu khó tiến xa hơn. Một khi đã quyết chí trở nên người thành đạt cao bạn sẽ khám phá ngay rằng bạn phải thường xuyên từ bỏ những thú vui trước mắt để vươn tới các mục tiêu dài hạn.

7. Sẵn lòng đảm nhận trách nhiệm đến mức nào? Hàng triệu người chỉ làm một công việc khi có người khác thúc và dưới sự giám sát chặt chẽ. Những người tự đưa vai ra gánh trách nhiệm khó tìm thấy hơn. Người thành đạt cao không phí thì giờ cằn nhằn về công việc đòi hỏi cao, thời gian nghỉ phép ít, hay thu nhập, lương bổng thấp. Họ chú tâm vào công việc, cải tiến cách làm, thậm chí còn để tâm nghiên cứu làm thế nào để khởi sự doanh nghiệp và cáng đáng thêm trách nhiệm. Thành đạt cao và trách nhiệm đi liền với nhau.

8. Sẵn lòng khởi sự từ chỗ đang đứng không? Người phương Đông có câu ngạn ngữ “Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước đi”. Mơ ước thành đạt cao có thể trở nên hiện thực chỉ khi nào bạn sẵn lòng đi bước đầu tiên rồi nhắm đích thẳng tiến. Hãy bắt đầu với những gì bạn có thể làm được rồi vươn tới những cái bây giờ bạn chưa thể làm được.

9. Có sẵn lòng tự mình suy nghĩ cho mình không? Điều quan trọng không kém là cần đạt tới sự quân bình giữa tư tưởng và hành động. Nếu bạn sẵn lòng tự mình suy nghĩ, thay vì cứ đề cho một ai đó luôn luôn làm cái công việc suy nghĩ thay cho mình, bạn có thêm một yếu tố để trở nên người thành đạt cao.

10. Bạn sẵn lòng phát triển đến cùng tiềm năng không? Nhiều nhân vật thành đạt cao “vang bóng một thời” mà nay thất bại bởi vì họ từ khước vươn tiếp lên đỉnh cao mới. Họ là người níu lấy thành tích đã qua. Người leo lên đỉnh thành công rất sớm để rồi dành phần còn lại của đời mình bảo vệ những gì đã đạt được phải kể như là kẻ thất bại.

Bạn hoàn toàn có thể nếm niềm vui sâu sắc của người thành đạt cao. Vấn đề duy nhất còn lại, đó là: Bạn đã sẵn sàng chưa?

Đặc điểm của những con người thành đạt

1. Tự đặt mục tiêu cho mình: Nhà triết học thế kỉ 19 người Đức, Friedrich Nietzsche đã viết rằng “Đánh mất mục tiêu chính là bạn đang mất đi hướng đi của mình”.


Vì vậy bạn nên xác định rõ ràng mình là ai và cái đích mà bạn đang hướng tới là gì. Từ đó hãy làm hết sức mình để hoàn thiện bản thân. Bạn cũng đừng nên bằng lòng với việc chỉ chống chọi cuộc sống này một cách đơn thuần. Bạn cần phải tập trung mình vào những thành quả cần đạt được chứ không phải chỉ là sự ngợi khen bình thường của người khác. Để ngày càng tiến bộ hơn thì bạn nên biết rằng chắc chắn bản thân bạn phải có sự thay đổi nào đó. Vì thế mà người khác sẽ nhìn nhận bạn là một con người nghiêm túc và sống có mục đích. T. S. Eliot - một nhà thơ người Mĩ cũng đã từng nói với chúng ta rằng “Chỉ có những ai mạo hiểm đi xa mới có thể phát hiện ra họ có thể đi được bao xa”. Cũng tương tự như vậy nhà văn Washington Irving viết “Những bộ óc vĩ đại có mục đích của họ còn những kẻ khác thì chỉ có ước muốn mà thôi”.

2. Biết ưu tiên: Bạn hãy xác định những gì là hữu ích nhất đối với mình và thực hiện chúng. Dù cho chúng có khó đến đâu thì bạn cũng nên cố gắng hoàn thành chúng. Hãy hướng mình vào kết quả của công việc. Hãy là một nhà quản lí thời gian hiệu quả nhất.

Hãy biết cách cân bằng giữa hoạt động thể xác với hoạt động trí óc hay tinh thần. Không nên nói theo quán tính câu “Đồng ý” với tất cả mọi người hay mọi việc. Người Bồ Đào Nha có một câu nói rằng “Nghĩ ra thì nhiều làm được thì ít”.

3. Biết tin tưởng vào bản thân: Hình ảnh của bản thân bạn phản ánh những điều mà người khác tin tưởng bạn dựa trên năng lực của bạn. Bạn nên tin tưởng vào những khả năng của mình. Bạn nên biết rằng tất cả mọi vấn đề đều có cách giải quyết của chúng. Hãy là người luôn tin tưởng vào bản thân mình. Không nên trông chờ người khác sẽ giải quyết công việc cho bạn.

Thử thách chính bản thân mình sẽ giúp bạn có nhiều tiến bộ hơn là việc chỉ cạnh tranh với những người khác. Bạn phải luôn có động lực muốn làm việc. Hãy thật thiết tha với tương lai rực rỡ đang chờ phía trước của mình. Hãy tự tạo nên sự khởi đầu cho bản thân. Và hãy chuẩn bị tinh thần để có thể chịu đựng được những thử thách sau này trong cuộc sống. Đừng nên phân tâm chỉ vì sợ bị phê bình, vì bị người khác từ chối hay gặp một thất bại nào đó. Đừng e ngại rằng mình quan tâm đến quá nhiều việc. Nhà quân sự và cũng là một ngôi sao truyền hình Chuck Norris đã nói rằng “Hãy luôn nhớ rằng thành công của bạn bắt đầu từ chính bên trong con người của bạn - nếu bạn không thể nhận ra nó thì không một ai khác có thể nhận ra điều này được”.

4. Hiểu vấn đề và biết kiên nhẫn: Bạn đang làm việc có nghĩa là bạn đang xóa đi mọi sự bực tức, cáu giận, mất kiên nhẫn, sự ích kỉ, ngu dốt, sự lười biếng, tính ghen tị, sự thù hận và những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống của bạn. Bạn làm việc còn là giải thoát chính bản thân mình khỏi những định kiến cá nhân. Hãy tôn trọng quyền của những người khác. Hãy tự nhủ rằng mình không nên tham gia vào bất kì cuộc mâu thuẫn nào. Bạn không nên lúc nào cũng lãng phí thời gian vào việc cho rằng mình tài giỏi hơn những người khác. Vì như thế bạn sẽ nhanh chóng quên đi những khuyết điểm mà người khác đã mắc phải hay quên đi những việc mà họ không hoàn thành được.
Làm việc sẽ giúp bạn gây dựng và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa bạn và mọi người. Một trăm năm trước kia, William Jennings Bryan - ứng cử viên 3 lần cho chức Tổng thống Mĩ và cũng là một nhà hùng biện đã nói rằng “ Đừng bao giờ lo sợ khi đứng về phía thiểu số khi mà lẽ phải thuộc về thiểu số bởi một ngày kia thiểu số sẽ trở thành đa số. Nhưng phải biết sợ khi đứng về phía đa số khi mà đa số mắc sai lầm bởi một ngày kia đa số sẽ trở thành thiểu số.”

5. Luôn cứng cỏi: Bạn hãy đối mặt với những thử thách. Bằng việc chấp nhận và vượt qua những thử thách thì bạn sẽ trở nên cứng cỏi hơn bao giờ hết. Hãy hiểu hết ý nghĩa trong câu nói sau của người Đức “Nỗi sợ hãi làm cho con sói to hơn bạn tưởng”. Bạn đừng nên tự tạo ra cho mình những áp lực. Bạn cũng đừng cố ra vẻ như mọi việc đều tuyệt cả dù cho thực tế không phải như vậy. Không sợ rằng mình trông như một kẻ ngốc nghếch khi bạn đang học hỏi và tạo cho mình một tính cách cứng cỏi. Không những thế bạn cũng không nên nói dối với chính bản thân mình hay bất cứ ai khác. Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho mọi công việc, chuẩn bị tinh thần để cống hiến hết sức mình để bạn có thể học thật tốt, có thể kiếm được nhiều tiền như bạn mong muốn, để bạn luôn khỏe mạnh, để là một người con hay một người cha, người mẹ có trách nhiệm và để sống một cách cao cả. Bạn phải có một cam kết thật rõ ràng gắn liền với một tiêu chuẩn đạo đức nào đó.

Bạn đừng có ý định tìm kiếm những lí do bào chữa cho mình. Những gì hơi khác thường một chút sẽ không thể làm cho bạn sợ hãi. Anais Nin, một nhà văn người Pháp đã viết rằng “Cuộc đời của một người khó khăn hay thuận lợi tỉ lệ thuận với sự dũng cảm của anh ta”. Bạn đừng sợ tham gia vào những cuộc tranh luận mà đối lập với quan điểm của bạn. Bạn hãy tạo cho mình thói quen làm những việc mà người khác không thể làm. Khi cần thiết bạn có thể thử thách lí do tại sao mình phải làm một việc gì đó, thử thách sự kiên nhẫn và tính kiềm chế của mình. Hãy chấp nhận rằng cuộc sống có thể không công bằng. Dù cho bạn có những nghi ngờ, lo sợ thì hãy vứt bỏ chúng đi để tiến lên. Hiếm có ai có thể mạnh mẽ và cứng cỏi hơn Nelson Mandela cựu Tổng thống Nam Phi - người đã nói “Bí quyết của sự thành công là biết cách chấp nhận những cái không thể, làm một việc gì đó mà thiếu đi những thứ cần thiết và biết cách chịu đựng việc thiếu đi sự thông cảm.”

6. Là một tấm gương cho những người khác: Con cái bạn hay những người làm công cho bạn sẽ không phải băn khoăn phải giải quyết vấn đề như thế nào mà việc duy nhất họ phải làm là quan sát cách bạn làm việc. Bạn hãy sẵn sàng để luôn là người dẫn đầu và hãy là một gương sáng cho mọi người. Lời nói của bạn có một ý nghĩa nhất định nào đó. Song bạn không nên quá mong chờ vào sự hoàn hảo. Ngược lại cái mà bạn phải làm là hãy tự hoàn thiện mình. Hãy là người đảm đương trách nhiệm trong mọi công việc.
Bạn nên chăm chỉ, luôn kiên định và hãy là một người đáng tin cậy. Hãy luôn thể hiện sự kiên trì, bền bỉ của bạn. Bạn phải luôn hoàn thành những gì mà lúc đầu bạn đã làm. Nhờ thế mà bạn sẽ có một ảnh hưởng nhất định với người khác, trở thành một người có sức lôi cuốn lạ kì và biết đưa ra những lời khuyên để giúp đỡ mọi người. Làm một tấm gương sáng sẽ đem lại cho chính bạn uy tín và sức mạnh để bạn hoàn thành tốt mọi việc của mình. Cựu Tổng thống Mĩ Henry Kissinger đã từng nói “Nhiệm vụ của một nhà lãnh đạo là đưa người dân của mình đến với những gì mà họ chưa bao giờ được hưởng thụ”. Ông còn nhắc nhở chúng ta rằng “Lịch sử của những gì không xảy ra thì sẽ không bao giờ được viết lại.”

7. Luôn có một thái độ tích cực: Bạn cần phải biết rằng mình sẽ có một tương lai tốt đẹp bởi chính bạn là người kiến tạo ra tương lai ấy. Hãy tự hào cả về những thay đổi nhỏ bởi bạn biết rằng chính những thay đổi này cuối cùng đem lại cho bạn những thành công lớn. Bạn hãy biết chấp nhận một cách thực tế những phiền muộn và vấn đề rắc rối của cuộc sống, tuy nhiên bạn nên chọn cách giải quyết với một thái độ tích cực và đúng theo hướng của những vấn đề đó. Hãy biết cách kiềm chế thái độ của mình. Biết lắng nghe những gì lương tâm bạn mách bảo. Dù cho bạn biết chắc chắn là không hề có sự đảm bảo nào nhưng bạn vẫn cứ làm những gì mà bạn mong muốn. Cuộc sống của bạn đồng nghĩa với những gì bạn nói, bạn quan niệm. Bạn hãy hưởng thụ cuộc sống, học hỏi những điều thú vị từ sách vở, phim ảnh. Hãy tin tưởng vào bản thân mình. Đừng nên cho phép nỗi nghi hoặc làm hỏng những giấc mơ của bạn. Vì thế mà bạn ưa thích những thử thách trong quá trình bạn hoàn thiện bản thân và học hỏi những điều mới lạ. Bạn hãy đón chào một ngày mới một cách tràn đầy sinh lực.
Ghandi đã từng dạy học trò của mình rằng “Nếu tôi tin rằng mình không thể làm được một điều gì đó thì ý nghĩ đó sẽ khiến cho tôi không thể làm được. Nhưng khi tôi tin rằng mình có thể thì tôi sẽ có được khả năng để thực hiện được việc ấy dù cho lúc đầu tôi thực sự không có khả năng.” Nhà viết kịch người Ailen George Bernard Shaw cũng nói là “ Một người có đầu óc và biết được khả năng của mình chắc chắn sẽ đánh bại mười người không có đầu óc và không nhận thức được năng lực của họ.”

8. Biết quyết tâm: Bằng cách tự thúc đẩy bản thân mình bạn sẽ luôn có động lực để thực hiện mọi việc mà bạn mong muốn. Luôn nhắc đi nhắc lại những quyết tâm của mình là một thói quen tốt mà bạn nên tạo ra cho mình. Hãy viết những quyết tâm ấy vào những mẩu giấy và đọc lại chúng một lần nữa. Sau đó bạn chỉ nên chọn những quyết tâm nào mà bạn tin tưởng một cách sâu sắc rằng mình sẽ thực hiện được. Và hãy thực hiện chúng ngay lập tức.
Học tập theo những thành công trước đó. Không ngừng hoàn thiện mình. Những ai dám làm nghĩ dám làm mới có thể giành được chiến thắng. Hãy biết cách tránh đi những nỗi đau và tìm kiếm sự hạnh phúc. Đầu tư cho hôm nay chính là đầu tư cho ngày mai. Bạn cũng cần phải có thái độ biết ơn cần thiết. Bạn có thể làm được tất cả những gì mà bạn quyết tâm muốn khẳng định.

9. Vươn tới một sức mạnh lớn lao: Bạn xây dựng cuộc sống của mình dựa trên những gì mà bạn tin tưởng. Hãy luôn giữ một niềm tin trong mình. Đừng e sợ nói chúng với những người khác. Bạn hãy đấu tranh cho những gì là giá trị tích cực. Trong mọi việc bạn nên luôn giữ đúng nguyên tắc xử sự của mình. Hãy cầu nguyện và suy ngẫm kĩ càng để bạn có đủ dũng khí đối mặt với những nỗi sợ hãi trong mình.

Hãy cầu nguyện và suy ngẫm kĩ để bạn có sức mạnh chấp nhận, chịu đựng những khó khăn trên con đường dẫn đến thành công, để bạn có thể vượt qua chúng và giành chiến thắng. Bạn hãy phát huy những gì tốt đẹp mà bạn tìm thấy trong cuộc sống. Victor Frankl - một nhà tâm lí học nổi tiếng và cũng là người sống sót trong vụ thảm sát người Do Thái của Hitler đã viết rằng “ Một niềm tin yếu ớt sẽ bị những khó khăn và tai họa làm cho yếu mềm, ngược lại một niềm tin mãnh liệt lại được củng cố bởi chính niềm tin ấy.”

10. Luôn có mong muốn giúp đỡ người khác: Bạn hãy cố gắng nhận ra những điểm tốt đẹp nhất ở con người mình cũng như ở những người khác. Khi ấy niềm tin sẽ luôn thấm nhuần trong bạn. Bạn muốn giúp đỡ người khác hoàn thành mục tiêu của họ. Vì thế mà bạn bỏ đi sự ích kỉ trong mình. Khi ấy bạn sẽ chẳng hề chần chờ một điều gì mà bạn lập tức giúp đỡ họ. Bạn bắt tay ngay vào công việc. Hãy bắt đầu cho bóng lăn, dẫn dắt nó và mọi người sẽ theo sau bạn. Hãy làm việc chăm chỉ để ngày càng tăng cường sự đoàn kết. Bạn nên chấp nhận một thực tế là chính những người cần đến sự giúp đỡ của bạn nhất lại là những người kém biết ơn bạn nhất. Một nhà cải cách Mĩ đồng thời cũng là một nhà giáo dục học Booker T. Washington từng nói “ Tôi nghĩ là mình đã bắt đầu hiểu ra rằng những người hạnh phúc nhất là những người sẽ làm được nhiều điều nhất cho những người khác.” Hay như nhà lãnh đạo đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen ở Mĩ - Martin Luther King đã phát biểu như sau “ Một vấn đề dai dẳng và cấp bách nhất của cuộc sống chính là Bạn đã làm được gì cho những người khác?” Còn Barbara Walters, một bình luận viên trên truyền hình Mĩ lại nói “ Xuất sắc có nghĩa là đạt được những giấc mơ cao nhất của mình. Nhưng khi có thể bạn còn phải giúp đỡ những người khác đạt được ước mơ của họ. Thành công của cá nhân sẽ là vô nghĩa nếu như bạn không cảm thấy mình đã tác động một cách tích cực đến cuộc sống của người khác.”

11. Tìm kiếm sự ủng hộ từ phía những người khác: Walt Disney đã từng nói rằng “ Tất cả những gì bạn phải làm là thẳng thắn với những sự kém hiểu biết của chính mình bởi khi đó bạn sẽ nhận ra ai là người sẵn lòng làm sáng tỏ vấn đề cho bạn.” Khi giúp đỡ người khác, bạn không nên quá tự hào về việc làm đó bởi bạn sẽ không thể nhờ họ giúp đỡ bạn một vấn đề nào khác. Bạn hãy mãnh mẽ như bạn đang có một mình bởi khi ấy bạn sẽ tự nhận ra mình không đơn độc. Là một người đáng yêu bạn sẽ được nhiều người yêu quí. Là một người hay hỏi thì bạn sẽ có nhiều người muốn được giúp đỡ bạn. Nếu là một người tốt bụng thì lại có nhiều người muốn làm thay công việc cho bạn và muốn kết bạn với bạn. Còn nếu bạn là một người sùng tín ngưỡng thì bạn lại đặt niềm tin của mình nơi Chúa trời. Benjamin Franklin một chính khách Mĩ đã nhấn mạnh rằng “ Người nào không được một ai khuyên bảo thì cũng sẽ không nhận được sự giúp đỡ nào cả.”

12. Luôn quyết đoán: Plato đã nói rằng “ Khởi đầu của một công việc bao giờ cũng là phần quan trọng nhất .” Bạn hãy bắt tay ngay vào công việc của mình. Đừng nên chần chờ gì cả. Và bạn cũng đừng ngồi một chỗ than phiền hay đợi chờ cho điều bạn mong muốn xảy ra. Nếu bạn không làm gì thì sẽ chẳng có điều gì xảy ra. Khi có vấn đề trục trặc nào đó thì nhiệm vụ của bạn là hãy bắt tay vào để giải quyết, để sửa sai. Phải luôn tập trung và biết đề ra mục tiêu của mình. Bạn hãy suy ngẫm ý nghĩa của câu tục ngữ mà người xưa vẫn hay nói “ Một nghề thì sống đống nghề thì chết.” Nếu bạn muốn biết cách để làm được một cái gì đó, hãy bắt tay ngay vào để học. Bạn không nên mong là sẽ có người nào đó chấp nhận tất cả những lời biện bạch lí do của bạn. Mà bạn phải nhìn nhận lại thực tế. Và xem xét một cách kĩ lưỡng tất cả sự lựa chọn của mình. Bạn nên linh hoạt, tháo vát và sẵn sàng thích nghi với tất cả mọi việc mỗi khi cần thiết. Hãy tìm ra sự lựa chọn tốt nhất cho mình và đừng bao giờ băn khoăn về sự lựa chọn đó. Bạn cần phải tự tin vào mình. Hãy làm những gì mà bạn cho là cần phải làm. Phải luôn mạnh mẽ. Mỗi khi bạn thay đổi, hãy chấp nhận những mạo hiểm của của sự thay đổi đó. Khi ấy bạn đừng nên cố tìm ra những lời biện minh hay cố đổ lỗi cho ai. Ngược lại bạn phải thẳng thắn và chấp nhận những khó khăn và mạo hiểm. Tổng thống Mĩ Theodore Roosevelt đã nói rằng “ Trong khoảnh khắc phải đưa ra một quyết định nào đó hãy làm những gì tốt nhất bạn có thể, đừng nên làm điều gì tồi tệ.” Trong khi đó Martin Luther King – nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen tại Mĩ lại nói “ Sự dũng cảm có thể đối mặt được với những nỗi sợ hãi và nhờ đó mà có thể làm chủ được những nỗi sợ hãi ấy.” Còn nhà tư bản công nghiệp Mĩ Lee Iacocca thì từng viết là “ Nếu phải nói gói gọn trong một từ cái gì tạo nên một nhà quản lí giỏi thì tôi xin nói đó chính là sự quyết đoán. Bạn có thể dùng một chiếc máy vi tính tuyệt vời nhất để tập hợp tất cả các con số nhưng cuối cùng bạn vẫn phải lập cho mình một thời gian biểu và thực hiện theo nó.”

13. Biết học tập làm theo người khác: Bạn hãy tìm cho mình những mẫu hình thật xác định, cụ thể nào đó theo và hãy thi đua với họ. Họ phải là những con người mang những tính cách mà bạn luôn ngưỡng mộ chẳng hạn như: trung thực, bình tĩnh, dũng cảm, thân thiện, hào phóng, công bằng, vui tính, duyên dáng, biết tha thứ, nhẫn nại, thông minh, nhiệt tình và có năng lực.

14. Luôn muốn tìm hiểu mọi việc: Người châu Phi có một câu tục ngữ là “ Không biết là xấu. Không muốn biết còn tồi tệ hơn.” Bạn có thể học bất cứ điều gì mà mình muốn. Hãy biết xin lời khuyên từ những người khác. Biết lắng nghe theo những lời khuyên ấy. Bạn hãy quan tâm đến mọi vấn đề trong cuộc sống và muốn học hỏi được nhiều điều hơn nữa. Bạn hãy suy nghĩ thoáng một chút. Vì khi ấy cuộc sống sẽ biến thành một cuộc khám phá hết sức diệu kì. Bạn sẽ thấy cả những thời cơ hay cơ hội mới để mình học tập. Bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu một việc gì đó trước khi bạn nói là mình không thể làm được nó. Trường lớp, các khóa học, các cuộc thảo luận, các buổi thuyết trình, các trang web, sách vở, băng hình hay các quyển tạp chí đều là những cơ hội tốt để bạn học hỏi kiến thức. Hãy biết rằng một kẻ lanh lợi thông minh có thể đánh bại được một kẻ khỏe mạnh. Vì thế bạn hãy không ngừng tự đặt ra các câu hỏi. Đừng sợ hãi sự thật. Đừng e sợ khi bạn phải nói câu “Tôi không biết.” Như Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli ở thế kỉ 19 đã từng nhấn mạnh rằng “Kẻ ngốc chỉ thấy ngạc nhiên còn người khôn ngoan lại biết đặt câu hỏi.” Publilius Syrus - một nhà văn người La Mã cũng nêu lên một quan điểm tương tự “Nhiều kẻ nhận lấy lời khuyên. Chỉ có người khôn ngoan là biết cách tận dụng những lời khuyên ấy.” Ông còn nói thêm rằng “ Một người khôn ngoan là một người biết tự sửa chữa bản thân từ những sai sót của người khác.”

15. Thừa nhận những nỗi sợ hãi và yếu điểm của bản thân: Trên đời này không có ai là hoàn hảo và cũng không có ai là thật sự không có những nỗi sợ của riêng mình. Bạn hoàn toàn có thể là một người nghiêm khắc với bản thân. Hãy biết tiếp thu một số vấn đề nào đó. Khi bạn thẳng thắn thừa nhận với mình những yếu điểm của chính bạn cũng có nghĩa là bạn đã đối mặt hay sửa chữa được ít nhất phân nửa những khuyết điểm đó. Hãy đối mặt với nỗi sợ hãi và bằng cách này bạn đã tự tạo cho mình một tính cách tốt. Bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy khi bạn muốn nếm trải đủ mọi hương vị của cuộc sống này. Đừng e dè khi phải nói câu “Tôi xin lỗi. Tôi đã sai.” T.S. Eliot đã nói rằng “ Một nửa những gì có hại mà con người gây ra trên thế giới này đều bởi người ta muốn có cảm giác mình là quan trọng.”

16. Học từ chính những sai sót của mình: Sự khác biệt giữa những người thành công và những người khác không phải là liệu họ có phạm sai lầm nào không, mà sự khác biệt là ở chỗ họ đối mặt với những sai lầm đó như thế nào. Sẽ là một sai lầm lớn nếu bạn suy nghĩ là bạn không bao giờ được phạm một sai lầm nào cả. Bạn đừng nên hờn giận chỉ vì mọi việc không theo ý muốn của mình. Hãy xác định xem điều gì đã xảy ra và bạn có thể làm gì khác. Bạn nên đề ra những chiến lược hành động mới cho mình. Bạn hãnh viết nên một kế hoạch mới và thử làm lại một lần nữa. Khi bạn đã tìm ra một cách nào đó để giải quyết công việc tốt hơn thì bạn nên thực hiện luôn. Hãy nhớ những thành công mà trước đây bạn đã đạt được. Bởi vì những sai sót chỉ là thi thoảng. Bạn hãy vượt lên trên chính những sai sót của mình. Winston Churchill cũng đã không e sợ khi thú thật rằng “ Hiểu từng lời mình nói ra sẽ chẳng bao giờ khiến cho tôi không thể hiểu được vấn đề của mình.”

17. Theo đuổi những chuẩn mực cao cả: Hãy tìm ra những gì là ưu điểm nhất của bạn và làm mọi việc để có thể đạt tới mức độ cao nhất đó. Bạn hãy tự hào về sự chính trực, tính thành thật và niềm tin vào sự công bằng của mình. Hãy nhớ rằng nói dối sẽ chỉ dẫn đến nói dối nhiều hơn mà thôi. Vì thế cam kết luôn làm hết khả năng của mình mà bạn đã hứa với bản thân đem lại nhiều ích lợi cho những ai gặp gỡ và làm việc với bạn. Bạn không nên từ bỏ những nguyên tắc và tiêu chuẩn cốt lõi của cá nhân mình. Nhà văn Mĩ Helen Keller dù cho bị mù và điếc nhưng ông vẫn có thể phát biểu đầy cảm hứng rằng “ Nhiều người đã có một suy nghĩ sai lầm về cái gì đã tạo nên sự hạnh phúc. Hạnh phúc không gắn liền với sự tự mãn mà gắn với sự trung thực với những mục tiêu đáng coi trọng.”

18. Luôn tốt bụng với mọi người xung quanh: Bạn hãy yêu quí tất thảy mọi người. Biết nhẫn nại và biết lắng nghe. Luôn mỉm cười. Dịu dàng và biết thông cảm. Bạn cũng nên thoáng hơn với những thỏa thuận hợp lí. Bạn hãy biết cách giúp đỡ người khác và tạo được sự tin cậy với họ. Luôn tôn trọng những người khác. Không nên áp đặt với mọi người. Hãy biết khen ngợi những việc làm tốt hay những nỗ lực của những người xung quanh. Bạn cũng nên có một chút hài hước dí dỏm. Biết thông cảm, khoan dung, thân thiện, lịch sự và cư xử đúng mực. Hãy tỏ rõ sự biết ơn của bạn với những gì tốt đẹp mà người khác làm cho bạn. Bạn nên giúp đỡ người khác mà không hề có đòi hỏi hay than phiền gì. Hãy cầu mong cho người khác gặp được những điều tốt đẹp. Bạn đối xử với mọi người như thế nào sẽ nhận được sự đối xử tương tự từ họ. Luôn nhiệt tình. Và hơn hết là phải luôn vui vẻ. Người Nhật Bản vẫn thường nói là “ Một lời nói tốt đẹp có thể sưởi ấm cả ba tháng mùa đông lạnh giá.” Hay như ông cha ta đã khuyên rằng “ Ở hiền thì gặp lành.”

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Phạm Nhật Vượng - Người giàu nhất trên TTCK Việt Nam năm 2010



Phạm Nhật Vượng (sinh 1968) là người giàu thứ nhì Việt Nam (theo xếp hạng trên sàn chứng khoán) năm 2007, 2008[1]. Ông đạt được vị trí này vào năm 2007, khi Công ty Vinpearl - thuộc nhóm các công ty của Vincom - niêm yết 100 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Ông Vượng nắm giữ 49 triệu cổ phiếu VIC và 20 triệu cổ phiếu VPL. Với số cổ phiếu này, theo ước tính cuối 2008, ông Vượng nắm giữ số vốn lên đến 5.225 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ đồng so với năm 2007. Chỉ tính riêng số vốn ở VIC, tài sản của ông Vượng tăng gần 200 tỷ đồng.

•Tính đến ngày 15/12/2010, Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất trên TTCK Việt Nam với số tài sản lên đến 18000 tỷ đồng (857 triệu USD)
•Cùng thời điểm này, nếu cộng cả tài sản của cả gia đình, tài sản của ông Vượng đã vượt ngưỡng 1 tỷ đô la mỹ.


Ông Phạm Nhật Vượng

Giả sử cổ phiếu HAG có tăng trần và cả 2 cổ phiếu VIC, VPL cùng giảm sàn trong những phiên giao dịch còn lại của năm 2010 thì giá trị cổ phiếu của ông Đức cũng không thể vượt qua ông Vượng.

Như vậy sau nhiều năm liền ở vị trí thứ 2, ông Phạm Nhật Vượng đã chính thức trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán khi kết thúc năm 2010.

Tính theo giá đóng cửa ngày 29/12, lượng cổ phiếu VIC và VPL mà ông Vượng đang sở hữu có giá trị thị trường đạt hơn 15.215 tỷ đồng, tương đương khoảng 780 triệu USD.

Trong khi đó lượng cổ phiếu HAG của ông Đức trị giá 11.366 tỷ đồng, tương đương 583 triệu USD.

Khối tài sản của ông Vượng và ông Đức vượt trội so với những vị trí còn lại trong top những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Đặng Thành Tâm ở vị trí thứ 3 với 4.042 tỷ đồng.



Top 10 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam (tính theo giá ngày 29/12)


Một điều đáng chú ý là bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng - cũng đồng thời trở thành nữ doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán với 2.262 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ công bố danh sách chính thức sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12.

Mặc dù là cổ đông lớn nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đối với VIC và VPL nhưng ông Vượng chỉ giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị.

Theo thông tin trong bản cáo bạch của Vincom, Ông Phạm Nhật Vượng sinh ngày 5/8/1968, quê quán tại Hà Tĩnh. Trình độ chuyên môn là Kỹ sư Kinh tế địa chất.

Năm 1993, ông Vượng là sáng lập viên của Công ty TNHH Technocom (về sau là tập đoàn Technocom) tại Kharkov, Ukraina với hoạt động chính là sản xuất mì ăn liền.

Đến năm 2001, ông Vượng về nước bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bằng việc thành lập CTCP Vincom (tên cũ là CTCP Thương mại Tổng hợp Việt Nam) và CTCP Vinpearl.

Tháng 9/2009, Tập đoàn Technocom chuyển trụ sở chính về Hà Nội và đổi tên thành CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - Vingroup.



Thân thế

Ông Phạm Nhật Phước và bà Nguyễn Thị Biện quê ở làng Phù Lưu (nay là xã Thụ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) sinh được hai người con. Người chị tên Phạm Thị Lộc (nay đã 85 tuổi, đang sống ở quê nhà), người em trai tên là Phạm Nhật Quang (sinh năm 1926). Ông lấy vợ quê ở Hải Phòng, sinh 3 người con gồm: Phạm Nhật Vượng (1968), Phạm Thị Lan Anh (1970), Phạm Nhật Vũ (1972).
Sau này ông Phạm Nhật Quang đổi tên là Phạm Dương. Cả ba người con của ông Phạm Dương đều sinh ra trên đất Hải Phòng, học giỏi và thành đạt.
Phạm Nhật Vượng du học ở Liên Xô cũ rồi ở lại làm ăn. Sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, đời sống của người dân nhiều nước trong khối cộng đồng gặp khó khăn, Phạm Nhật Vượng đã sang Ucraina và thành lập Tập đoàn kinh tế TECHNOCOM, trở thành Tập đoàn giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn nhanh tại Ucraina và xuất khẩu cho 29 quốc gia trên thế giới. Giá trị Thương hiệu MIVINA (Mì Việt Nam) được định giá trên 1 tỷ Đô la Mỹ.
Lĩnh vực kinh doanh này phát triển lên nhanh nhanh chóng, tổng số vốn hiện nay lên tới hàng trăm triệu USD với hơn 3.000 cán bộ công nhân viên đang làm việc. Anh Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Tập đoàn TECHNOCOM kiêm Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mạiViệt Nam tại Ucraina. Đầu những năm 2000, Anh Phạm Nhật Vượng đầu tư về quê hương và hiện vừa là sáng lập viên, vừa là thành viên Hội đồng quản trị Vinpearl Land (VPL) và Công ty cổ phần Vincom (VIC). Tháng 8 năm 2009, Đại hội đầu tiên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã được tổ chức tại Hà Nội. Anh Phạm Nhật Vượng đã được Đại hội tín nhiệm bầu là chủ tịch Hiệp hội cùng 08 phó chủ tịch khác.
Tháng 9 năm 2009, Tập đoàn TECHNOCOM đổi tên thành Tập đoàn VINGROUP (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ucraina) về Hà Nội (Việt Nam). [2]
Cuối tháng 11 năm 2008, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIC, ông Lê Khắc Hiệp, một thành viên khác của Vincom đã trao toàn bộ lượng cổ phiếu đang nắm giữ cho ông Vượng, tạo nên vụ tặng cổ phiếu đình đám trong giới chứng khoán. [3]
Vincom: có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Vincom, tiền thân là Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Việt Nam, được thành lập chính thức vào ngày 3 tháng 5 năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu là 196 tỷ đồng, sau đó gần một năm đã tăng lên 251 tỷ đồng. Từ lợi nhuận chưa phân phối trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng, công ty đã nâng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng. Gần đây nhất, công ty đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên gần 1.200 tỷ đồng và chuẩn bị thành 2.000 tỷ đồng vào tháng 9 năm 2009 [4]. Công ty đang xây một tổ hợp lớn gồm căn hộ cao cấp, văn phòng, khu mua sắm ở Hà Nội.
Vinpearl: có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Du lịch Vinpearlland, tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch, Thương mại và Dịch vụ Hòn Tre, được thành lập ngày 25 tháng 7 năm 2001 tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chào sàn HOSE vào ngày 31 tháng 1 năm 2008. Công ty này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch dịch vụ và bất động sản. Là chủ đầu tư của dự án Khu du lịch và giải trí Vinpearl Land, Vinpearl Hội An, các khu du lịch này là điểm đến và là nơi diễn ra những cuộc thi Hoa hậu mang tầm quốc gia, quốc tế...

Chủ tịch HSBC: “Tôi từng du học chỉ với 16 USD”

Chủ tịch HSBC: “Tôi từng du học chỉ với 16 USD” Chủ tịch ngân hàng giàu nhất châu Âu nhớ lại thủa hàn vi: “Tôi đến New Zealand du học chỉ vẻn vẹn 16 USD trong túi. Đầu tiên là phải tìm việc làm thêm, việc mà nhiều người khác không bao giờ làm…”.

Từ năm 2005, tên tuổi của Vincent Cheng mới được đông đảo người dân Việt Nam biết đến khi ông đứng trên cương vị Chủ tịch của Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC), ngân hàng lớn nhất châu Âu và lớn nhất thế giới về tài sản có.

Sau khi nhậm chức, tân Chủ tịch HSBC đến Việt Nam, lần đầu tiên ông đặt chân đến thị trường mà ngân hàng mình đã có cả trăm năm lịch sử. Người Việt Nam bắt đầu biết đến ông với con đường “từ vỉa hè đến ghế Chủ tịch HSBC”.

Từ “vỉa hè” này được ông Vincent Cheng giải thích: “Tôi sinh ra ở một gia đình nghèo ở khu phố Shamshuipo, Cửu Long (Hồng Kông). Tôi thường phụ bố bán trái cây ven đường. Nhà nhỏ nhưng có tới 8 gia đình với 20 người cùng chung sống. Nóng bức, chật chội, tôi thường phải ra đường ngủ”.

Nằm đường, ngủ bụi là những bài học đầu tiên trong “kỹ năng” kiếm sống của nhân vật châu Á đầu tiên có vị trí lãnh đạo cao nhất của một ngân hàng châu Âu sau này.

“Thời đó, Hồng Kông còn nghèo lắm. Cha mẹ tôi tin tưởng rằng giáo dục sẽ làm thay đổi cuộc sống con người, cuộc sống nghèo khó này. Và bản thân tôi cũng ý thức được điều đó. Tôi đã học và nỗ lực làm việc để được học”, ông Vincent Cheng kể.

Đó là lần đầu tiên chàng trai Vincent Cheng xuất ngoại với mục đích trang bị cho mình những kiến thức “để thay đổi cuộc sống con người”, theo đúng khái niệm du học đang nở rộ ở Việt Nam hiện nay.

Đến New Zealand chỉ vẻn vẹn 16 USD trong túi, định hướng đầu tiên là phải làm việc để có tiền sống, tiền học. Cũng khá đơn giản, cứ gõ cửa và hỏi “các ông có việc gì cho tôi không?”. Và Vincent đã tìm một việc làm bán thời gian. Nhưng, vì một khiếm khuyết của thân thể (ông bị tật ở chân từ nhỏ) nên công việc Vincent tìm được là việc mà nhiều thanh niên hồi ấy không làm: rửa chén đĩa cho các nhà hàng.

Mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 6 tiếng, mỗi tiếng được 1,5 USD. Cứ thế Vincent vừa làm vừa học cho đến khi tìm được những công việc tốt hơn. Nhưng quan trọng nhất là ông có được nguồn tài chính đảm bảo cho mục đích học tập.

Điều quan trọng nhất đó được ông Chủ tịch ngày nay truyền lại cho sinh viên Việt Nam, rằng: “Khi du học, tốt nhất các bạn hãy tìm một công việc bán thời gian để trang trải các chi phí. Các bạn có thể tìm các nguồn vốn để vay nhưng cần làm việc để trả lại số tiền đó”.

Sau khi du học, tốt nghiệp, Vincent Cheng đầu quân cho Ngân hàng HSBC. Tất nhiên là phải trải qua một cuộc sát hạch khó khăn. Đó là vào năm 1978. 10 năm làm việc miệt mài sau đó đã đưa chàng rửa bát thuê ngày nào trở thành một nhân vật có tiếng trong cỗ máy HSBC. Và năm 1989, ông Cheng chuyển sang công tác tại Bộ phận chính sách Trung ương của chính quyền Hồng Kông, với vai trò cố vấn của Thống đốc Hồng Kông. Hai năm sau, Vincent Cheng tái nhập HSBC, nắm giữ vị trí Giám đốc cao cấp của bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược. Năm 1994, ông trở thành Giám đốc tài chính của ngân hàng khổng lồ này và chỉ một năm sau đó, tháng 5/1995, ông đã là Tổng giám đốc và nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành.

Ngày 25/5/2005, lần đầu tiên trong lịch sử HSBC vị trí Chủ tịch được dành cho một người châu Á, không phải là người Anh: Vincent Cheng. Chàng thanh niên với 16 USD trong túi ngày nào đã là chủ tịch của một ngân hàng có mức lợi nhuận gấp 1 tỉ lần con số thủa hàn vi đó, trên 15 tỉ USD mỗi năm.

Một sự thăng tiến nhanh chóng. Đó là tài năng và động lực từ thủa hàn vi. “Nhưng, đầu quân vào HSBC không phải là sự lựa chọn tốt nhất của đời tôi, mà là chọn được ý trung nhân của mình”, ông nói.

Người đàn ông 58 tuổi này rất hạnh phúc khi nói về gia đình của mình, về phu nhân và hai cô con gái. Ông ít có thời gian cho gia đình, vì vậy, thay vì đánh golf với bạn bè, ông lựa chọn ở nhà; tất nhiên là đưa việc về nhà. Và dễ thấy trong các chuyến công du của ông, chiếc vé thứ hai thường được đặt cho vợ - “như thế tôi được gần gũi hơn với người thân, với gia đình dù công việc luôn bận rộn”.
Theo www.crmvietnam.com

Bí quyết trở thành doanh nhân thành đạt

Muốn trở thành một doanh nhân thành đạt, đứng được trên đôi chân của mình cần phải có lòng can đảm, sự cương quyết và khả năng nhìn xa trông rộng.

Không có một công thức nào cho thành công, tuy nhiên hầu hết các doanh nhân thành đạt đều đồng ý với 10 đặc tính sau đây:

1. Nghĩ tới thành công

Để tiến tới thành công như mong muốn, bạn cần phải có những hoài bão lớn. Mọi câu chuyện thành công đều bắt đầu từ những hoài bão, mơ ước lớn đó. Bạn cần có tầm nhìn rõ ràng về những điều bạn muốn đạt được. Nhưng nếu chỉ mơ ước thôi thì không đủ.

Bạn nên hình dung cụ thể thành công đó trong tâm trí mình để bạn có thể cảm nhận được nó và luôn giữ nó trong tầm tay của bạn. Và trong mọi lúc, mọi thời điểm bạn đều phải luôn nghĩ tới, hướng tới thành công.

Một doanh nhân đã từng nói về việc luôn nghĩ tới thành công của mình: "Mỗi khi leo lên cầu thang, ở các bậc tôi lại nhẩm lại mục tiêu mình đã đặt ra. Cách này đã giúp tôi luôn giữ được những mục tiêu đã đề ra tận trong ý thức.

2. Hứng thú với những gì mình làm

Mọi thành công sẽ đến dễ dàng với bạn nếu bạn luôn thích thú với tất cả những gì mình đã làm. Bởi vì nếu bạn ưa thích công việc kinh doanh hiện tại, chắc chắn bạn sẽ kiên quyết theo đuổi nó đến cùng. Nếu bạn chán ghét, liệu bạn có thể đạt được thành công không?

Chắc chắn là không, cho dù bạn có đầy đủ khả năng và trình độ để đạt được điều đó. Bạn sẽ đạt hiệu suất cao nhất và làm tất cả những gì bạn phải làm để tiến tới thành công chỉ khi bạn luôn thích thú và quan tâm đến công việc kinh doanh của mình.

Các doanh nhân thành đạt có thể bỏ ra từ 15h đến 18h một ngày tập trung vào kinh doanh mà không thấy mệt mỏi là bởi vì họ hoàn toàn yêu thích công việc đó.

3. Tập trung vào sức mạnh của bạn

Con người không một ai là toàn diện đến mức hoàn hảo. Bất kỳ ai cũng có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Vì vậy bạn cần phải nhận biết được điểm mạnh của mình và tập trung vào đó. Cơ hội thành công của bạn sẽ lớn hơn nếu bạn có thể hướng nỗ lực của mình vào những lĩnh vực mình mạnh nhất.

Ví dụ, nếu bạn nhận thấy mình tài năng trong lĩnh vực marketing thì hãy khai thác, tận dụng tối đa điều đó. Tìm kiếm sự hỗ trợ ở những mặt bạn còn yếu. Muốn biến điểm yếu thành sức mạnh, cần phải chú ý rèn luyện, khắc phục điểm yếu đó.

4. Đừng bao giờ bận tâm đến khả năng bị thất bại

Là một doanh nhân, bạn cần phải tin tưởng hoàn toàn vào mục tiêu đã đề ra và khả năng có thể đạt được những mục tiêu đó. Bạn nên có một niềm tin mãnh liệt vào chính mình, vào khả năng đạt được thành công. Niềm tin càng lớn, bạn càng nhanh chóng đi đến thành công.

Tuy nhiên, bạn cần phải cân bằng giữa niềm tin đó với sự dự tính trước những rủi ro có thể xảy đến khi bạn đạt được những thành công lớn hơn. Những doanh nhân thành đạt luôn là những người biết phân tích và tối thiểu hóa rủi ro khi theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Họ luôn luôn nói "Không có can đảm, không có vinh quang.

5. Lập kế hoạch phù hợp

Muốn đạt thành công, bạn cần phải cụ thể hoá các mục tiêu để hình thành bàn đạp hướng tới thành công đó. Bạn cần phải lập kế hoạch sao cho mọi hoạt động trong từng ngày đều nhằm hướng tới thành công dự tính trước.

Một kỹ năng để thành công chính là việc lập ra các mục tiêu và các kế hoạch để hoàn thành những mục tiêu đó. Bạn hãy luôn nhớ rằng không có kế hoạch rõ ràng thì thất bại là điều hoàn toàn chắc chắn.

6. Làm việc chăm chỉ

Mọi sự thành đạt trong kinh doanh đều cần sự làm việc tận tụy, chăm chỉ, cần mẫn hết mình. Một doanh nhân đã từng nói "Bạn làm việc 8h một ngày là để tồn tại; còn làm việc hơn 8h một ngày là để đạt được thành công".

Khi bạn hỏi bất kỳ một doanh nhân thành đạt nào về thời gian làm việc lúc khởi nghiệp, họ sẽ trả lời ngay với bạn rằng họ phải làm việc hơn 60 giờ một tuần.

Bạn cần phải chấp nhận từ bỏ những thói quen như đi uống nước sau khi tan sở hàng ngày hay các kỳ nghỉ cuối tuần. Nếu bạn đang trong thời kỳ tạo dựng, bạn cần phải "sống", "ăn", "uống" với công việc kinh doanh cho đến khi đứng vững được.

7. Tận dụng, tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài

Công việc kinh doanh luôn đòi hỏi những sự trợ giúp cần thiết. Nhiều khi một người phụ nữ bạn gặp ở một tổ chức thương mại có thể cung cấp cho bạn những nguồn tài chính đảm bảo hay một người đàn ông bạn gặp ở một cuộc họp có thể chia sẻ với bạn những kinh nghiệm quản lý quý báu.

Điều quan trọng là bạn nên thiết lập sự hợp tác với những người có thể giúp đỡ bạn hoặc ngược lại. Để thành công, bạn cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt và sự nhanh nhạy mở rộng các mối quan hệ.

8. Sẵn sàng học hỏi

Không phải có bằng MBA hay Master là đảm bảo được sự thành công trong kinh doanh. Thực tế có rất nhiều những doanh nhân thậm chí không tốt nghiệp cả bậc trung học. Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết các triệu phú đi lên từ hai bàn tay trắng đều có chỉ số thông minh ở mức trung bình.

Tuy vậy, những người này vẫn đạt được những mục tiêu trong kinh doanh với tất cả khả năng của mình bởi vì họ luôn sẵn sàng học hỏi. Muốn thành công, bạn phải luôn biết học hỏi, lắng nghe, tiếp nhận những kiến thức mới nhất là trong thời kỳ công nghệ và cách thức kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng ngày nay.

9. Giữ vững niềm tin

Con đường đi đến thành công không bao giờ là dễ dàng cả. Ngay cả khi bạn có định hướng đúng và làm việc cần mẫn thì đôi khi vẫn gặp thất bại. Một vài doanh nhân đã từng gặp phải khó khăn, thất bại thậm chí là phá sản nhưng đã nhanh chóng đứng dậy và đạt được thành công đáng kinh ngạc.

Sự kiên cường trong khó khăn và khả năng hồi phục sau những thất bại trước mắt sẽ đảm bảo cho thành công của bạn. Bạn cần phải học cách tự đứng dậy và làm lại từ đầu. Tính bền bỉ chính là thước đo niềm tin của bạn. Hãy nhớ rằng, nếu bạn kiên định, thì không một cái gì có thể cản trở được bạn

10. Tự kỷ luật

Có người từng nói "Hãy làm những gì bạn nên làm vào thời điểm cần phải làm cho dù bạn có thích hay không". Tự kỷ luật chính là chìa khoá của thành công. Nếu muốn thành công, bạn phải biết chấp nhận trả giá. Bạn phải làm những điều mà người khác không thích làm, biết đi xa hơn và phải đấu tranh với chính bản thân để rèn tính tự kỷ luật.
Theo doanhnhan.asea

Twitter Delicious Facebook Digg Favorites More