Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Những mốc bứt phá của người doanh nhân Việt Nam muốn bay vào vũ trụ

..."Ai ai cũng muốn làm giàu, nhưng để bắt tay vào hành động, thì động lực phải đủ lớn. Giống như cây Cầu vồng thuộc chi thực vật ăn thịt ở Úc, hạt của nó sau khi rơi xuống đất chỉ nảy mầm được sau những vụ cháy rừng. Ước muốn kiềm tiền để giúp mẹ đã gieo vào đầu Sơn từ lâu, nhưng chỉ khi nhúng mình vào văn hóa lao động và làm việc nghiêm túc của người Singapore, khao khát này của anh mới đủ độ chín để biến thành hành động"...
Sau hơn 20 năm tôi mới có dịp trở lại ngôi trường cấp II của mình. Cảm giác đầu tiên là ngôi trường quá nhỏ bé so với hình ảnh vẫn còn lưu giữ trong tâm trí của tôi. Cái khoảng rộng mênh mông mà chúng tôi vẫn chạy chơi thỏa thích bây giờ giống như một hình chữ nhật chật hẹp, những tưởng có thể nhấc lên để đặt vào một trang giấy. Thực sự ngạc nhiên. Khi đó, tôi lý giải do chiều cao của mình đã khác, nên mọi thứ trở nên nhỏ bé hơn. Việc đi vào quên lãng.


Anh Phạm Tuấn Sơn

5 năm sau, khi kết thúc cuộc trò chuyện với anh Phạm Tuấn Sơn – Giám đốc Công ty Babylons, người luôn bị cảm giác dai dẳng về khoảng không-gian-chật-hẹp mà mình đang sống ép phải thoát ra, cảm xúc ngạc nhiên khi xưa của tôi chợt tìm được lời giải đáp đúng. Trong cuộc nói chuyện với anh, tôi cảm nhận được một tâm hồn rộng mở, không định kiến, luôn mở lòng đón nhận cuộc sống bên ngoài cũng như trí tuệ của người khác. Và mỗi một lần, dũng cảm bước ra khỏi vùng-an-toàn, anh đều gặt hái được những thành công nhất định.

Nghe anh kể câu chuyện về cuộc đời mình, tôi chợt hiểu, kích cỡ của ngôi trường vẫn như xưa, có điều bản thân tôi đã thay đổi. Tôi đã ra ngoài và đã nhìn thấy thế giới. Tầm nhìn cao hơn một vài cm không có ý nghĩa trên một diện tích rộng. Có điều, anh Sơn biết tận dụng những điều “nhìn thấy” để biến thành những kết quả hữu hình, còn tôi thì chưa hẳn.

Là một doanh nhân phải nhận thức đúng giá trị của đồng tiền

Anh Sơn sinh ra trong một gia đình công chức thời bao cấp. Bố là quân nhân, mẹ là giáo viên. Từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình đã giúp anh Sơn làm quen với tính hai mặt của đồng tiền.

Khi Sơn 9 tuổi, bố anh giải ngũ và sang Nga để làm kinh tế theo trào lưu của nhiều người Việt đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Sau khi bố đi một thời gian, ba mẹ con anh cũng theo chân ông sang xứ người với khao khát làm giàu để cải thiện cuộc sống hiện tại.

Hình ảnh mẹ với những thùng hàng lớn, chạy ngược chạy xuôi “làm việc” với hải quan cả 2 nước đã in đậm trong trí nhớ của anh. Bằng hành động thực tiễn, mẹ đã làm cậu con trai nằm lòng bài học về tầm quan trọng của sự nhanh nhẹn, tháo vát đối với một người doanh nhân.

Trong suốt một năm sống ở nước Nga, anh Sơn không đi học mà lăn lộn theo mẹ đi các tỉnh mua hàng để đóng thùng gửi về Việt Nam. Những trải nghiệm trong thời gian này giúp anh phần nào hiểu được bản chất đồng tiền. Nhận thức được mặt trái của tiền bạc.

Khi đó, các vụ cướp diễn ra tương đối phổ biến trong cộng đồng người Việt sinh sống ở Liên bang Nga. Có vụ, diễn ra ngay trong thanh máy mà cậu bé Sơn vẫn đi hàng ngày, tên cướp người Nga đã chặt phăng ngón tay một người Việt chỉ để lấy chiếc nhẫn đeo trên đó; hay chuyện cô hàng xóm rất mến Sơn và hàng ngày hay chơi với cậu bé, bị giết, xác vứt ngoài rừng…

Đồng thời, Sơn cũng được nến trải sự ngọt ngào của người có tiền, khi mà ở cửa hàng đồ chơi, mẹ cho phép anh mua tất cả những thứ mình muốn, chất đầy các túi, khi mang về đến cửa nhà chung cư, có một cô bé người Nga ra xin một cái máy bay, Sơn cho luôn mà không hề tiếc.

Hoàn cảnh kinh tế của gia đình ngày càng cải thiện thì cũng là lúc bố mẹ anh chia tay nhau vì sự xen vào của người phụ nữ thứ ba. Gia đình Sơn chia làm ba ngả. Mẹ ở lại Nga. Bố vào thành phố Hồ Chí Minh. Hai chị em Sơn trở về Hà Nội sống trong sự chăm sóc và giáo dục chu đáo của ông bà nội và sự tự hào về người mẹ đang kinh doanh rất thành đạt ở nước ngoài.

Năm 1996, một biến cố lớn nữa lại xảy ra với hai chị em Sơn, khi người mẹ bị phá sản trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng. Không chỉ thế, bà bắt đầu có những triệu chứng của một người tâm thần. Không những bị phá sản, bà còn phải trải qua những cú shock lớn khác trên thương trường mà những người con chỉ lờ mờ cảm nhận được.

Những trải nghiệm nhiều chiều về đồng tiền từ khi còn nhỏ, có lẽ, đã giúp cho Sơn có được nhận thức đúng về bản chất của tiền bạc. Nó không phải là thứ quá quan trọng nhưng cũng không dễ dàng mà có được. Nếu quá coi trọng tiền, có thể bạn sẽ không đủ dũng cảm để hành động, chỉ biết ngồi nhìn thời cơ đến rồi đi. Nếu coi thường tiền bạc, thì đương nhiên bạn sẽ không biết sử dụng tiền bạc một cách hiệu quả. Phẩm chất rất quan trọng này đã giúp Sơn quản lý tiền bạc rất hợp lý, góp phần không nhỏ vào những thành công trong kinh doanh sau này của anh.

Lần bứt phá thứ nhất:
Bước chân ra thế giới


Sơn là học sinh chuyên lý của trường Hà Nội-Amsterdam nên việc thi đỗ vào đại học đối với anh không khó. Anh đăng ký dự thi và thi đỗ vào ngành công nghệ thông tin của Đại học Giao thông. Giống như hàng triệu học sinh Việt Nam bước vào đời, việc chọn ngành của Sơn là theo ý nguyện của gia đình, chứ không xuất phát từ mong muốn của bản thân.

Ngành học không gây hứng thú, các sinh viên cùng học phần đông kém năng động. Một cuộc sống đờ đẫn, sáng lên lớp, chiều ngủ, tối đi chơi hoặc loanh quanh lướt net ở nhà. Đến kỳ thi, học ôn qua loa để khỏi bị trượt. Một cuộc sống thụ động, trống vắng những ước mơ. Đối với các bạn ngoại tỉnh lại còn bị đè nén bởi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền mà không biết thoát-ra-bằng-cách nào. Mặc dù, họ đều đã-qua-tuổi-trưởng-thành. Một người luôn cháy bỏng khao khát được tìm hiểu thế giới bên ngoài như Sơn thực sự cảm thấy lạc lõng trong một môi trường như vậy.

Quả địa cầu đặt trên bàn học được đánh dấu những nước mà anh muốn được đặt chân tới. Đó là Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… Gần như, lối thoát duy nhất đối với Sơn lúc bấy giờ là du học. Anh bắt đầu lang thang trên mạng để săn tìm các xuất học bổng và gửi hồ sơ đến nhiều trường đại học ở nước ngoài.

Bệnh của mẹ càng nặng. Ngoài khao khát được nhìn thấy thế giới, Sơn còn mong muốn nữa là kiếm được nhiều tiền để cải thiện cuộc sống của mẹ. Anh sẵn sàng từ bỏ những “ưu đãi” mà rất nhiều bạn cùng học mong ước. (Ông Sơn là một quan chức trong ngành giao thông, bác là giáo sư trưởng một khoa của trường Đại học Giao thông, cô cũng là giáo viên trong trường này…).

Tôi có hỏi anh, khi đó, anh đã có lúc nào nghĩ rằng mình sẽ trở thành một doanh nhân không? Anh cho biết, có lẽ, trong anh, gene của mẹ trội hơn gene của bố nên anh luôn có khao khát kiếm tiền. Điều này làm hai bố con hay xích mích. Đối với ông, kinh doanh không phải là một công việc vẻ vang gì.

Anh hài hước nói: trong gia đình mọi người toàn nói xấu về kinh doanh. Duy nhất có một lần quy luật này bị phá bỏ. Đó là khi bố kể chuyện về một người quen chỉ trong vòng một năm đã có tiền mua nhà nhờ biết được cách pha chế sơn đặc biệt nên sơn của cửa hàng ông bán rất chạy. Câu chuyện gây ấn tưởng khó tả và in đậm trong óc cậu con trai.

Nỗ lực của Sơn được đền đáp, khi đang học năm thứ ba của trường Đại học Giao thông, anh nhận được học bổng 80% của một trường đại học công lập đứng trong top ba trường danh giá nhất ở Singapore. Tuy nhiên, khi đó anh đã biết rõ mình mong ước ra nước ngoài là để tìm hiểu thế giới và kinh doanh chứ không phải là đi du học. Anh đăng ký học hóa. Sơn đã nói rất thật với người phỏng vấn viên rằng anh muốn chọn chuyên ngành này để tích lũy kiến thức mở một… nhà máy sản xuất sơn.

Lần bứt phá thứ hai:
Từ bỏ con đường học vấn để kinh doanh


Sang Singapore, Sơn phải học lại từ đầu. Singapore có một môi trường học tập và các chính sách hỗ trợ sinh viên rất tốt. Chàng sinh viên mới chân ướt chân ráo nhập học đã được hỗ trợ 2.000 USD Singapore để mua máy tính xách tay và được hưởng các chính sách vay tiền với lãi xuất ưu đãi của chính phủ Singapore.

Sơn nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của sinh viên ở đây. Trong những kỳ nghỉ và thời gian rỗi, phần đông họ đều đi làm thêm đủ các việc. Rất nhiều thiếu niên Singapore, từ 14 tuổi đã đi làm để kiếm tiền tiêu vặt. Mọi người Singapore đều khao khát có một cuộc sống tốt hơn và có động lực kiếm tiền rất rõ ràng. Đó là điểm khác biệt rõ nét so với người Hà Nội mà anh cảm nhận được ở đây.

Việc làm thêm đầu tiên của Sơn là bồi bàn, rửa bát với giá 5 USD Singapore/1h. Sau 20 ngày, anh kiếm được 800 USD Singapore đầu tiên trong đời. Một nền văn hóa khác mở ra trước mắt anh. Phong cách làm việc của mọi người ở đây khác hẳn ở Việt Nam. Ai nấy đều làm việc cần cù và không cho phép mình lười nhác. Khi vắng khách, nhân viên không ngồi, không đứng một chỗ mà đi lại lau bàn ghế, lau sàn, sắp đặt lại mọi thứ cho thật chỉn chu. Việc này không những giữ được sự gọn gàng, mà còn tạo ra không khí ấm áp, bận rộn và đông đúc cho quán. Điều mà khách có thể cảm nhận được ngay từ khi bước chân vào cửa. Sơn học được rất nhiều điều về nghệ thuật chăm sóc khách hàng trong thời gian này.

Nhờ những trải nghiệm trong thời gian đi làm thêm, nhân sinh quan của anh về thế giới, con người và công việc thay đổi hẳn. Ai ai cũng muốn làm giàu, nhưng để bắt tay vào hành động, thì động lực phải đủ lớn. Giống như cây Cầu vồng thuộc chi thực vật ăn thịt ở Úc, hạt của nó sau khi rơi xuống đất chỉ nảy mầm được sau những vụ cháy rừng. Ước muốn kiềm tiền để giúp mẹ đã gieo vào đầu Sơn từ lâu, nhưng chỉ khi nhúng mình vào văn hóa lao động và làm việc nghiêm túc của người Singapore, khao khát này của anh mới đủ độ chín để biến thành hành động.

Sau hai năm học, anh cũng nhanh chóng bị vỡ mộng vì ngành mà anh đang theo học nhằm mục đích đào tạo ra các nhà khoa học-hóa học, chứ không mấy liên quan đến việc truyền tải những kiến thức… pha chế sơn. Và tất nhiên chẳng có gì liên quan đến khao khát được kinh doanh của anh.

Trong lúc đang hoang mang, anh được bạn giới thiệu cho Cashflow game, một trò chơi tài chính. Cashflow gắn liền với cuốn Dạy con làm giàu tác giả Robert Kiyosaki, là một trò chơi mô tả cuộc sống của một con người thường gặp phải: Lớn lên – đi học – tìm công việc – cơ hội – chi phí… từ đó hướng dẫn những cách thức để người chơi có thể thoát khỏi cuộc sống của một người làm công ăn lương, hiểu rõ được tình hình tài chính hiện tại và cải thiện nó theo hướng tích cực.

Sơn nghiệm từ mình và những người xung quanh thì thấy, nếu là một người chơi ít-tiền-trong-game, thì ngoài đời anh ta cũng ít tiền. Vấn đề nằm chính trong tư duy tài chính của họ. Tất cả mọi hành động, dù chơi, dù thật, đều phản ánh rất sát tư duy của con người. Sơn vốn là người không thích đọc các cuốn sách về tài chính vì cho rằng “sách chỉ nói hay, ít tích thực tế, nếu tác giả đúng thì người nghèo đã không nhiều như vậy…”. Cashflow đã dẫn anh đến với bộ sách Dạy con làm giàu. Đó là một cuốn sách viết rất đơn giản và dễ hiểu. Sơn hoàn toàn bị thuyết phục. Anh tìm thấy một hướng đi mới cho cuộc đời phù-hợp-với-con-người-anh.

Có lẽ lực hấp dẫn đã đủ thời gian để phát huy tác dụng, đúng 2 tháng sau khi đọc xong cuốn sách của Robert Kiyosaki, anh tìm được công việc kinh doanh cho mình. Sơn được một người bạn giới thiệu cho một mối phân phối hàng hương liệu nhập từ Đài Loan. Sơn nhận thấy đây là một sản phẩm dễ phân phối. Anh quyết định trở thành đại lý bán mặt hàng này. Vấn đề tiếp theo là vốn. Cần có 12 nghìn USD Singapore để trở thành đại lý.

Rất may mắn cho anh, lần đầu tiên bước chân vào thương trường anh đã gặp những người thày tốt. Sơn cho biết, những thương nhân Singapore chỉ cần cảm nhận được sự chân thật và mong muốn làm việc thực sự là họ sẵn lòng tạo cơ hội. Gia đình người Hoa nhập khẩu hương liệu đã tận tình chỉ bảo Sơn từng bước hành động.

Không có tiền, không có gì để thế chấp ngân hàng để vay vốn, cơ hội đến phải làm thế nào? Họ đã chỉ cho anh cách thức huy động vốn của người khác, đã cho anh một bài học nằm lòng: Tiền của mình là hữu hạn, tiền bên ngoài là vô hạn. Muốn kinh doanh phải biết sử dụng tiền của người khác.

Họ dạy anh cách thức người mới khởi nghiệp kinh doanh phải đi vay tiền như thế nào. Một người bạn đồng ý làm chung đại lý với Sơn, anh bạn này đã có 6.000 USD Singapore, vì vậy, Sơn chỉ cần đi vay nửa còn lại. Anh cần tìm ít nhất 30 người quen để vay từng khoản nhỏ cho tới khi đủ 6.000. Thậm chí, gia đình người Hoa đã dạy anh cách thức phải nói năng như thế nào. Sơn và người bạn ngồi đối diện với nhau, đóng giả người cho vay và đi vay để tập luyện trước. Việc này là cần thiết để bản thân tự vượt qua rào cản tâm lý. Đã chuẩn bị kỹ vậy mà những lần đầu tiên tim Sơn đập thình thịch, chân tay vẫn run rẩy, lóng ngóng…

Đi vay đến lần thứ ba, thì anh bị cuốn hút bởi công việc này và không còn ngại ngùng nữa. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã có đủ số tiền để thực sự bước chân vào thương trường. Nhờ được chỉ bảo tận tình những kỹ năng bán hàng và khả năng tiếp thu nhanh, Sơn bán hàng rất “duyên”, trong tháng đầu tiên, anh đã có lợi nhuận lên tới 15 nghìn USD Singpore. Sau hai tháng, anh quyết định về Việt Nam để huy động thêm vốn.

Nhìn thấy rõ con người mình muốn trở thành, trở lại Singapore với số vốn huy động được, Sơn có sự bứt phá thứ hai - rời bỏ hẳn giảng đường đại học để theo đuổi nghiệp kinh doanh. Anh cho biết, đây không phải là một quyết định đáng tự hào, trong thâm tâm anh vẫn muốn học xong mới kinh doanh, nhưng cơ hội đến không thể bỏ lỡ.

Lần bứt phá thứ ba:
Trở thành một doanh nhân chuyên nghiệp


Công việc phân phối hàng của Sơn rất phát triển, trong năm tiếp theo doanh thu của anh lên tới gần 1 triệu USD Singapore, lợi nhuận có tháng lên tới gần 20.000 USD Singapore. Đây là khoảng thời gian, Sơn tích lũy được nhiều kỹ năng tốt trong kinh doanh. Đặc biệt và kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng, nhìn ra khách hàng tiềm năng và bán hàng.

Trong việc bán hàng thì việc “chốt khách hàng” là quan trọng nhất. Tức là thúc đẩy nhanh chóng quá trình ra quyết định xuống tiền mua hàng. Gia đình người Hoa dạy Sơn rất cặn kẽ và liệt kê những từ nào mà khách hàng rất thích được nghe. Khi sử dụng chúng cũng phải rất sáng tạo, không thể như một con bò nhai đi nhai lại những từ đó. Bạn phải nói những điều chân-thật-khác nhưng toát lên nội dung của những từ then chốt đó. Trong số đó từ quan trọng nhất là đảm bảo.

Ngoài ra, đây cũng là thời gian anh tạo dựng và lưu giữ được nhiều mối quan hệ tốt, tạo tiền đề cho công việc làm ăn sau này của mình. Những đối tác lớn của anh bây giờ, phần lớn đều là những người Singapore anh quen từ lúc đó.
Năm 2007, sản phẩm mà Sơn phân phối bị bão hòa ở Singapore, anh về nước để tìm thị trường. Đáng tiếc, sản phẩm này cũng không có đường ra ở Việt Nam. Vậy là sau một thời gian kinh doanh, anh lại trở về không. Tiền lãi phần lớn đọng lại ở trong đống hàng tồn khổng lồ. Visa hết hạn, hết tiền, anh không quay lại Singapore được nữa.

Khao khát kiếm tiền vẫn còn đó, nhưng môi trường ở Việt Nam khác với Singapore, Sơn chưa thể làm quen ngay được. Anh làm đủ việc để sống và chờ cơ hội. Một trong những việc làm có ý nghĩa của anh trong thời gian này là thành lập Câu lạc bộ Cashflow ở Hà Nội nhằm truyền bá game hữu ích này tới giới trẻ thủ đô. Câu lạc bộ đã thu hút được tương đối đông đảo thành viên.

Đây là khoảng thời gian nhiều trăn trở mà không tìm ra hướng đi mới của Sơn. Anh tìm đến những cuốn sách, những khóa học huấn luyện thành công để tìm lối thoát. Tình cờ, thông qua Internet, anh biết tới khóa học Tư duy triệu phú của T.Harv Eker. Khóa học thực sự thu hút sự chú ý của Sơn. Anh đã đi vay tiền và bán chiếc xe máy của mình để sang Singapore tham dự khóa học này vào tháng 08/2008.

Sau khóa học, lần đầu tiên anh ý thức được, việc kinh doanh đi xuống của anh không hẳn phụ thuộc vào ngoại cảnh mà phần nhiều phụ thuộc vào tư-duy-nghèo của anh. Chính tư duy là nguyên nhân để anh-là-con-người-như-hiện-tại. Với quyết tâm lập trình lại bộ não, tẩy những tư duy của người nghèo đã được gia đình, xã hội “cài” vào từ khi còn nhỏ, anh đã kiên trì tập luyện những bài tập mà T. Harv Eker hướng dẫn. Anh hài hước nói, “có bài ông chỉ bảo tập 8 tháng, em tập 18 tháng”.

Ý tưởng kinh doanh mới đến với anh vào giữa năm 2009. Nhận thấy, các khóa đào tạo nhằm thay đổi tư duy rất tiềm năng ở Việt Nam, anh quyết tâm thử thị trường bằng cách bán vé cho chính Chương trình Tư duy triệu phú của T. Harv Eker. Sơn thuyết phục VCCI đứng ra làm đơn vị đại diện tổ chức hội thảo dành cho 300 người để giới thiệu về chương trình này, đồng thời thuyết phục Success Resources, công ty tổ chức Seminar giáo dục lớn nhất Châu Á, cử diễn giả sang để diễn thuyết.

Do hiểu rõ tâm lý và cung cách làm việc của người Singapore, anh đã dễ dàng thuyết phục được Công ty Success Resources. Khi một công ty lớn như vậy của Singapore đã đồng ý, VCCI cũng dễ dàng đồng ý theo. Tiền để tổ chức hội thảo là tiền Sơn đi huy động theo đúng cách gia đình người Hoa đã dạy anh trước kia.

Buổi hội thảo thành công tốt đẹp. 25 người đã mua vé tham dự Chương trình Tư duy triệu phú. Đây là phi vụ làm ăn đầu tiên thành công của Sơn tại Việt Nam đem lại cho anh 13 nghìn USD. Nhưng quan trọng hơn, nó đã tạo tiền đề để anh thành lập Công ty Babylons – công ty chuyên sâu tổ chức các seminar và khóa học quốc tế mang tính thực tế cao trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư và tài chính – vào tháng 08/2009. Công ty Success Resources chấp thuận để Công ty Babylons trở thành đại diện chính thức cho họ ở Việt Nam.


Anh Sơn (ngoài cùng bên phải) dẫn một đoàn người Việt Nam ra nước ngoài để tham gia một khóa học do Success Resources tổ chức

Trở thành đại diện chính thức có rất nhiều cái lợi, không những Babylons có quyền đứng ra tổ chức và bán vé các hội thảo/khóa học của Success Resources tại Việt Nam và nước ngoài, mà Babylons còn được kinh doanh cùng với một trong những công ty đào tạo có uy tín trên thế giới. Nghĩa là, Babylons được thừa hưởng quy trình làm việc của Success Resources. Đây là điều quan trọng nhất, anh Sơn cho biết, khi làm việc bằng một quy trình đã được kiểm chứng và chi tiết trong từng thao tác nhỏ nhất, thì bạn khó có thể thất bại. Đây là cơ hội tốt để bạn trở thành một doanh nhân chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới.

Có lẽ chính vì thế mà ngay mấy tháng cuối năm 2009, doanh thu của Babylons đã là 3,4 tỷ VND. Từ đầu năm 2010 đến nay, con số này là 17 tỷ VND, anh Sơn tin tưởng con số này sẽ còn tăng nhiều trong năm tới.

Thành công bước đầu của Babylons, có lẽ phần nào nhờ vào việc truyền bá phong cách làm việc của người Hoa tới nhân viên của anh Sơn. Nhân viên của Babylons tuy chưa nhiều, mới dừng lại ở con số vài chục, nhưng đều có thái độ làm việc tận tụy, chuyên nghiệp.

Trung thành với những điều học được trong cuốn sách Dạy con làm giàu, anh Sơn phân định rõ công việc của người chủ doanh nghiệp và của một nhà đầu tư. Hoạt động của công ty nhằm tạo ra một dòng tiền ổn định. Lãi thu được từ hoạt động của công ty dùng để tái đầu tư vào chính công ty và trích ra một phần % nhất định để đầu tư vào những cơ hội khác để tạo ra nguồn thu nhập tự động. Thu nhập thụ động một phần được chi dùng cho mục đích cá nhân và phần còn lại chuyển vào quỹ tiền dùng cho đầu tư.

Anh Sơn cho biết, thu nhập thụ động của anh tăng ổn định, bắt đầu từ 100 – 200 USD/1tháng, lên tới 2.500 USD vào thời điểm hiện tại. Anh đặt kế hoạch tới cuối năm 2011 con số này sẽ là 20.000 USD/1 tháng.

Anh Sơn đặt cho Babylons mình sứ mệnh trong 5 năm tới sẽ chia sẻ nhân sinh quan, cách làm giàu của người giàu đến với nhiều người Việt Nam.

- Còn mục tiêu của cá nhân em thì sao? - Tôi hỏi anh.
- Mục tiêu của em trong 5 năm tới sẽ trở thành người Việt Nam đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng ô-tô và người Việt Nam thứ 2 bay vào vũ trụ sau Phạm Tuân. – Anh nhấn mạnh thêm – Em đã tìm được chỗ có thể giúp được em hiện thực hóa ước mơ bay vào không gian.

Không hiểu đọc đến đây các bạn nghĩ sao, chứ tôi hoàn toàn tin rằng anh có thể làm được hai điều này. Và, biết đâu, sau khi bay lên vũ trụ, anh sẽ lại tích lũy thêm được năng lượng để bước vào cuộc bứt phá thứ tư?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Favorites More