Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

“Đặt cược” sự nghiệp của chồng để theo đuổi đam mê

"Từ cái nhìn đầu tiên, có thể cảm nhận được nguồn năng lượng đang lan tỏa ra từ mỗi tế bào sống trên con người chị. Năng lượng được dẫn dắt bởi trí tuệ đã làm bệ phóng cho niềm đam mê kết trái. Người phụ nữ đó là Nguyễn Lan Hương, chủ hệ thống Zen Spa về với cội nguồn thiên nhiên cao cấp rất có uy tín với khách nước ngoài ở Việt Nam".


Chị Nguyễn Lan Hương đại diện cho Spa Việt Nam tham dự Hội nghị Spa trong khu vực châu Á

Thời thơ ấu tôi sống với bố mẹ trong một ngôi nhà hai tầng ở phố cổ Hà Nội. Khi đó tấc đất còn chưa phải là tấc vàng như bây giờ. Sát cạnh nhà tôi, ngay giữa trung tâm thủ đô, là một nhà máy xay xát nhỏ, một tầng, mái bằng. Ý thức về sự sở hữu của mọi người trong thời bao cấp còn rất mơ hồ, chủ nhà máy cho phép chúng tôi đục cửa từ tầng hai đi ra nóc nhà họ để phơi phóng quần áo. Họ không hề có nhu cầu sử dụng mặt bằng này và cũng không bao giờ đi lên đó.

Ở một góc mái bằng, có một cái ống thông hơi hình vuông có mái, có lỗ để không khí thoát ra từ các cạnh. Trông nó giống như một ngôi nhà nhỏ xíu. Bột cám bay lên từ phía dưới, lâu này kết lại thành một lớp bụi trắng dày bám chặt vào đó. Không rõ do nhân duyên gì, một ngày, từ lớp bụi nhú lên một mần xanh chơi vơi. Hà Nội chật hẹp, cái-sân-mái-nhà này là khoảng không gian rộng rãi duy nhất để tôi chơi vào những lúc rỗi. Từ khi cái nầm nhú lên, nó thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi.

Tôi quan sát nó hàng ngày. Cái mầm xanh cũng lớn lên từng ngày. Tôi nhìn rõ cả những cái rễ nâu nhạt chạy loằng ngoằng, mờ mờ dưới lớp bụi. Chỉ vài tuần, khi nó trông đã ra hình thù, bà nội tôi bảo đó là một loại xương rồng. Từ những cái lá đâm ra những cái lá khác và cả rễ bám chặt vào ống thông hơi. Cái cây trông như mội sợi dây xanh chằng chịt cuốn quanh “ngôi nhà nhỏ”.

Trong đầu óc non nớt của tôi, đã là cây thì phải “ăn” nhiều đất, mà đất ở đây lại không có. Nếu coi lớp bụi cám là đất, thì “đất” cũng rất ít. Không thể tìm thấy bất cứ một điều đặc biệt gì ở bên ngoài, một lần không nén nổi tò mò, tôi bẻ một mẩu lá và thấy ứa ra một giọt nhựa đặc quánh, gạt sang đầu ngón tay nó giữ nguyên hình giọt nước lóng lánh. Trí óc trẻ thơ của tôi mách bảo rằng giọt nước đó chính là nguồn sống của cây. Cái cây sống bằng nguồn-năng lượng-nội-tại của mình.

Đến bây giờ, tôi cũng không dám khẳng định nó có phải thuộc họ xương rồng không và cũng rõ hơn cơ chế chuyển hóa năng lượng, nhưng niềm tin tuổi thơ của tôi vẫn còn nguyên vẹn. Và cách đây mấy hôm, tôi gặp một người phụ nữ đặc biệt. Chị đã làm ký ức về cái-cây-tuổi-thơ của tôi sống lại.

Từ cái nhìn đầu tiên, có thể cảm nhận được nguồn năng lượng đang lan tỏa ra từ mỗi tế bào sống trên con người chị. Năng lượng được dẫn dắt bởi trí tuệ đã làm bệ phóng cho niềm đam mê kết trái. Người phụ nữ đó là Nguyễn Lan Hương, chủ hệ thống Zen Spa về với cội nguồn thiên nhiên cao cấp rất có uy tín với khách nước ngoài ở Việt Nam.

Những tố chất của một doanh nhân bộc lộ rất sớm

Sinh ra đầu những năm 70, trong một gia đình cán bộ nhà nước, kỷ niệm thời thơ ấu của Hương gắn liền với những khó khăn thời bao cấp. Mặc dù không phải là con cả, nhưng Hương luôn là người chủ động làm thêm để tăng thu nhập phụ cho bố mẹ, từ cuốn thuốc lá, may quần áo lót, gọt vỏ chanh…

Không giống như những đứa trẻ khác, bố mẹ bảo gì làm nấy, Hương luôn sáng tạo trong từng công việc mình làm, thậm chí còn “chỉ đạo” ngược lại người lớn. Sau khi gọt và chuyển vỏ chanh cho nhà máy rượu, cả rổ chanh không vỏ vứt đi thì phí, Hương mang ra đầu đường ngồi bán. Xung quanh cũng có rất nhiều người như Hương, nên bán vừa ế giá lại rẻ, mà chanh lại chóng hỏng…

Hương chợt nhớ tới những cái chai sứt miệng vứt chỏng trơ trong tổ pha chế rượu của mẹ. Hương đề nghị mẹ mua về. Cô bé chỉ đạo mọi người trong gia đình vắt chanh cho vào chai và “dán mác”: Nước chanh dùng để gội đầu, hạn sử dụng đến ngày… bằng những mẩu giấy cắt ra từ vở học trò và quấn quanh chai bằng những sợi chun… “Sản phẩm” mới của Hương bán không những chạy lại còn được giá.

Khi nhà có chiếc tủ lạnh đầu tiên trong khu tập thể, Hương đã nghĩ ngay cách để tận dụng. Dọc đường từ nhà đến trường, Hương để ý xem có bao nhiêu quán bán trà đá và chủ động gặp chủ quán để đề nghị mua đá. Thế là sáng nào đi học, Hương cũng chở hai thùng đá để giao hàng, trưa đi học về lại tạt qua từng đó quán trà để thu tiền. Phần thưởng của bố mẹ nhận được từ công việc trong những dịp lễ, Tết thường là sản phẩm, Hương cũng lại là người mang đi bán cho các cửa hàng tạp hóa trong khu,…

Việc kinh doanh đối với Hương rất tự nhiên và luôn gắn liền với sự sáng tạo. Định hướng lĩnh vực kinh doanh cũng đến với chị rất sớm. Từ bé Hương đã có thiên hướng về nghệ thuật và yêu cái đẹp. Khả năng cảm thụ nghệ thuật của chị được nuôi dưỡng trong suốt những năm học tại lớp kịch câm ở Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội. Hương rất thích làm đẹp cho người khác.

Vào thời đầu những năm 80 của thế kỷ trước, việc làm đẹp của người Hà Nội còn ít được chú ý, mọi người chưa đủ điều kiện kinh tế để quan tâm nhiều đến quần áo, vóc dáng,... Khái niệm người đẹp còn bó hẹp ở một khuôn mặt đẹp. Một chị béo tròn, to ục ịch vẫn có thể được gọi là “người đẹp” nếu có một gương mặt khả ái. Son phấn cũng chưa thực sự phổ biến, chỉ có duy nhất “một góc con người” là mái tóc được lưu tâm nhiều nhất. Và đó cũng là tâm điểm chú ý của Hương.

Chị kể có một lần không thể kiềm chế được bản thân, chị đã lén cắt tóc cho một em bé nhà hàng xóm khi em đang ngủ say. Sau việc đó, chị bị ăn mắng một trận nhớ đời. Từ nhỏ, chị đã là một cô bé kiên định, bền bỉ, dai dẳng, đã muốn thì chẳng ai cản được. Đất chẳng chịu trời, trời đành chịu đất, cuối cùng bố mẹ chị phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn so với thời bấy giờ, trị giá bằng mấy chỉ vàng để cho con gái đi học cắt tóc của một người thợ Hoa kiều.

Đang ở tuổi ham chơi, nhiều lúc nhớn nhác vì thấy chúng bạn í ới gọi nhau ngoài cửa, nhưng chỉ sau cái véo tai đau điếng của bác thợ, Hương lại tập trung vào công việc. Chẳng mấy chốc, Hương đã có tay nghề khá. Lịch học và làm việc của cô bé học sinh cấp III dày kín, sáng đi học, chiều tối cắt tóc cho những khách hàng quen. Khách hàng mến tài cô thợ trẻ con và cũng vì giá phải chăng nên chịu bê xe đạp lên tận căn hộ tập thể tầng 4 nơi gia đình Hương ở để cắt tóc. Ngoài ra, Hương còn đi học kịch câm, tham gia các hoạt động xã hội,… Chỉ đến khi tối muộn 11,12 h cô bé mới có thời gian để làm bài tập về nhà. Hương luôn cố gắng giữ học lực ở mức khá.

Tố chất lãnh đạo của chị cũng bộc lộ rất sớm. Suốt những năm phổ thông, chị đều là lớp trưởng. Chị cho biết hầu như đi đến đâu, chị cũng “buộc” phải làm thủ lĩnh, từ lớp học kịch câm, đến các hoạt động xã hội khác mà chị tham gia. Hương cười: không biết sao từ nhỏ chị đã hình dung rất rõ trong đầu hình ảnh của mình trong tương lai, một người đi trước có nhân viên cắp ca-táp theo sau… Một hình ảnh có phần ấu trĩ nhưng thể hiện thiên hướng lãnh đạo của Hương.

Có thể nói, ngay từ khi còn là một thiếu niên, Hương đã vô thức sống một cuộc sống của người trưởng thành. Đây như là một sự sắp đặt sẵn của số phận để chuẩn bị cho chị có thể đương đầu với những khó khăn thực sự trong tương lai.

18 tuổi chính thức bước vào đời

Năm 1991, khi Hương 18 tuổi, tại phố Đội Cấn, khai trương một cửa hàng chuyên về thiết kế áo cưới và trang điểm, chủ là một Việt kiều Thái Lan. Khi đó những cửa hàng có hơi hướng và phong cách nước ngoài ở Việt Nam còn hiếm. Tình cờ biết tới cửa hàng, không bỏ lỡ cơ hội, Hương khai tăng tuổi và xin vào làm việc tại đây. Do có tay nghề tốt về làm tóc lại rất tự tin, Hương không những được nhận vào làm việc mà còn được giao luôn chức quản lý.

Công việc ở đây thực sự thu hút chị nhưng không phải từ khía cạnh chuyên môn mà là cách phục vụ khách hàng của người chủ Việt kiều. Trong khi các nhân viên khác bỏ ngoài tai những lời chỉ bảo về cách chào khách thể hiện tấm lòng mình…, thì Hương lại rất hứng thú với những việc đó. Chị như phát hiện ra con người thứ hai của mình ngoài niềm đam mê làm đẹp – say mê tạo ra niềm vui và sự dễ chịu cho người khác.

Chính thái độ làm việc đó đã buộc những người khách đã từng được chị phục vụ chỉ muốn quay trở lại với chị. Chị kể, có những hôm tất tưởi trở về cửa hàng từ trường đại học, chị lại hối hả bắt tay ngay vào công việc của người thợ vì một số khách hàng đã đến cửa hàng nhưng từ chối sự phục vụ của người khác và ngồi chờ chị bằng được.

Không thể kham nổi công việc của người quản lý lẫn việc học của một sinh viên, Hương quyết định gác việc học mà không có quá nhiều trăn trở. Đối với chị, những điều mà một người sinh viên phải làm quá nhàm chán so với công việc của một người thợ bận rộn một ngày hơn 12 tiếng.

Công việc ở cửa hàng của người Việt kiều Thái giữ chân Hương được gần 4 năm. Ở tuổi 21, con người của Hương đã bộc lộ hoàn toàn, chị nhận thức rõ sứ mệnh của mình trong đời: Sống để phục vụ người khác thông qua cái đẹp, niềm vui và sự thư giãn. Đây là điểm khác biệt của Hương với rất nhiều người khác. Có rất nhiều người ở tuổi 30, 40, 50, thậm chí, đến cuối cuộc đời vẫn trăn trở với câu hỏi: Tôi là ai? Mục đích sống của tôi là gì? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy trong hành động. Học và tư duy chỉ có tác dụng giúp cho hành động ngày càng hoàn thiện hơn chứ không tìm được lời giải đáp.

Không điều gì là không có thể

Đến lúc, cảm thấy không còn gì để học từ môi trường cũ, Hương lại tìm cho mình một cơ hội mới. Được biết một công ty mỹ phẩm của Pháp do một người Hongkong đầu tư mở cửa hàng ở Hà Nội tuyển người quản lý, Hương đăng ký dự tuyển.

Gần 100 người cùng đến phỏng vấn với Hương, có bạn đã tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh ở những trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Chốt lại cuộc nói chuyện, phỏng vấn viên hỏi Hương: Mục đích của chị nếu được nhận vào vị trí này? Hương trả lời: Tôi muốn được nhận mức lương cao và nỗ lực để xứng đáng với điều đó. Nhà tuyển dụng đã bỏ qua những ứng viên khác để nhận chị vì ba yếu tố khả năng chuyên môn, kinh nghiệm quản lý và mục đích làm việc rất rõ ràng.

Những giây phút căng thẳng diễn ra ngay sau khi chị nhận thông báo trúng tuyển. Trước hội đồng tuyển dụng, Hương cho biết chị đang có… thai ba tháng. Hội đồng buộc phải mời chị ra ngoài để hội ý nhanh. Mấy phút sau, chị được mời vào. Một lần nữa sự tự tin và quyết tâm của chị đã thuyết phục được nhà tuyển dụng. Trước hết, chị hứa, thứ nhất, trong thời gian nghỉ đẻ không đòi hỏi bất cứ một chế độ gì từ phía công ty; thứ hai, trong thời gian làm việc mấy tháng trước khi nghỉ đẻ, chị sẽ xây dựng được một quy trình làm việc cho các nhân viên để khi không có chị mọi việc vẫn vận hành tốt; thứ ba, đối với những phụ nữ khác cần 4,5 tháng để nghỉ ở nhà chăm sóc con, còn chị sau 1 tháng sẽ quay trở lại công việc.

Chưa hết, khi nhà tuyển dụng hỏi tới mức lương chị yêu cầu, Hương đã hỏi ngược lại mức lương thấp nhất mà chị có thể được nhận. Sau khi nhận được câu trả lời, Hương hỏi tiếp mức lương trung bình ở cương vị này và cuối cùng là mức lương cao nhất mà chị có thể kỳ vọng cũng như những yêu cầu cần phải đáp ứng. Sự khôn ngoan nằm ở chỗ, câu hỏi bắt đầu từ mức lương thấp nhất. Khi đã có mức thấp sẽ phải có mức trung bình và mức cao nhất. Chờ cho nhà tuyển dụng cung cấp đủ thông tin, chị đã chứng minh cho họ thấy mình xứng đáng được hưởng mức lương cao nhất.

Bị thuyết phục trước một người phụ nữ sắc sảo và tràn đầy nghị lực, hội đồng tuyển dụng quyết định nhận một bà bầu ở tháng thứ ba vào vị trí quản lý cửa hàng với mức lương cao nhất. Đổi lại, Hương chỉ cần viết một bản cam kết thực hiện được tất cả những điều mình đã hứa.

Tìm đúng công việc là sở trường của mình, tự tin thể hiện năng lực thông qua lời nói, thẳng thắn và khôn khéo khi thương lượng là những yếu tố giúp chị đạt được mục đích lần này của mình.

Năng lượng, sự nhẫn nại giúp Hương vượt qua thử thách trên cương vị mới

Đối với một người còn rất trẻ, kinh nghiệm và trình độ học vấn chưa cao, chưa tạo dựng được uy tín, trong mắt mọi người chỉ là một cô thợ cắt tóc, trang điểm, thì việc lãnh đạo một đội ngũ nhân viên vài chục người quả là một thử thách lớn. Và nguồn năng lượng vô tận bên trong đã giúp chị khẳng định được bản thân.

Những ngày đầu làm việc để chuẩn bị khai trương cửa hàng, rất nhiều đêm chị đã thức trắng ở lại nơi làm việc. Kỷ lục có lần ba đêm liền chị không ngủ. Đối với một cửa hàng bán đồ mỹ phẩm, thì việc bài trí và sắp đặt sản phẩm là rất quan trọng. Cả đêm, chị đi lại trong cửa hàng, suy nghĩ cách bài trí, mẫu thiết kế các giá đặt và hình dung ra các sản phẩm sẽ được đặt như thế nào trên đó như thế nào để vừa đẹp lại vừa tiện lợi. Một ngày làm việc của chị tối thiểu là 14 tiếng, tối đa là… 24 tiếng.

Khi cửa hàng đi vào hoạt động, chị bao giờ cũng đến trước giờ làm việc 2 tiếng và không nề hà bất cứ việc gì. Khi chưa có uy tín, giao việc mà nhân viên không làm là chuyện rất… bình thường đối với Hương. Nhân viên không làm, chị xắn tay vào làm, cho dù đó là việc cọ toa lét. Khi không có việc gì, chị luôn tay lau sản phẩm, cửa kính và vui vẻ cười với tất cả những ai nhìn vào cửa hàng. Có người sau khi bắt gặp vài lần nụ cười thân thiện của chị đã không nén nổi tò mò mà bước chân vào cửa hàng.

Có những người đố kị, chơi xấu đã tuồn hàng mỹ phẩm giả vào đúng ca trực của chị, Hương đã phải bật khóc không phải vì số tiền phải đền mà cảm thấy bất lực. Bỏ qua mọi sự chống đối, chị bao giờ cũng trích một phần tiền lương của mình để làm quỹ phòng cho mọi người tiêu chung khi có việc cần. Nhờ vào sự tinh tế trong việc nắm bắt nhu cầu của khách nên chị rất có duyên bán hàng. Hương không bao giờ đề nghị ai mua sản phẩm mà chỉ tư vấn để khách hàng giải quyết những vấn đề của họ. Bất cứ ai đã nói chuyện với chị đều không thể không mua một thứ gì đó. Và chị luôn tận dụng thế mạnh của mình để giúp đồng nghiệp bán hàng cho khách.

Trước sự tận tụy hết lòng vì công việc, sự nhẫn nại đối với cấp dưới cộng với năng lực thực sự của người quản lý trẻ đã động tới cái tâm của những người xung quanh. Từ chống đối và đố kỵ mọi người trở nên yêu mến, thông cảm và hợp tác với chị. Hương nghỉ đẻ khi mọi hoạt động của cửa hàng đã đi vào ổn định đúng như lời cam kết trước đó.

Trong gần 2 năm làm việc tại đây, từ khi khai trương cho đến lúc cửa hàng đóng cửa do xích mích của nhà đầu tư với đối tác ở Việt Nam, Hương tích lũy được nhiều kỹ năng của một người quản lý cũng như kinh nghiệm làm việc với người nước ngoài. Ngoài ra, chị còn được tham gia một số khóa đào tạo về làm đẹp tại Hongkong.

Đến bây giờ, nhìn lại quãng thời gian này, chị vẫn không hiểu sao một bà bầu lại có thể tự ép mình vào áp lực công việc cao như thế. Sau khi đứa con thứ nhất được sáu tháng, chị lại mang bầu đứa thứ hai. Như vậy là gần như trong suốt thời gian 2 năm đó, lúc nào chị cũng đang trong tình trạng… mang thai và nuôi con mọn.

Sạt nghiệp vì sự kiện khủng bố 11/09 tại Mỹ

Thất nghiệp vì cửa hàng đóng cửa một thời gian, cơ hội mới lại đến với chị từ người bạn Israel và là bạn sếp của chồng. Biết Hương là người am hiểu về lĩnh vực mỹ phẩm, người bạn giới thiệu cho vợ chồng chị mối nhập sản phẩm Dead Sea - có nguồn gốc tự nhiên như bùn khoáng của biển Chết – từ Israel thông qua một văn phòng đại diện ở Mỹ về phân phối ở Việt Nam.

Nhận thấy đây là một dòng sản phẩm mới có tiềm năng ở thị trường Việt Nam, Hương đã bán chiếc xe máy đang đi của mình để thuê cửa hàng nhưng vẫn còn thiếu 2.000 USD để làm vốn nhập hàng. Chị nhờ chồng vay số tiền đó từ chính người sếp. Ông này đồng ý cho vay với điều kiện chồng chị phải “đặt cược” bằng chính… sự nghiệp của mình. Tức là nếu vợ không trả được tiền, thì chồng sẽ mất việc.

Đối với Hương, đây không phải là một quyết định mạo hiểm vì chị rất am hiểu và hội tụ đủ các yếu tố, từ chuyên môn, kinh nghiệm, trình độ quản lý để thành công. Sau một đêm thức trắng thuyết phục, chồng chị đồng ý để vợ đem mình ra làm “vật đảm bảo”.

Hàng được nhập về, chị không bán mỹ phẩm theo phương pháp thông thường khi đó. Trước khi bán, chị cho khách hàng thử sản phẩm và demo các phương pháp chăm sóc trên chính làn da của họ. Chỉ khi khách hàng thực sự hài lòng họ mới bỏ tiền ra mua sản phẩm. Các đại lý của chị cũng được yêu cầu làm theo cách thức đó. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, chỉ sau hai tháng chị đã có đủ tiền để trả cho sếp của chồng.

Công việc đang rất thuận lợi, mỹ phẩm Dead Sea bắt đầu có tiếng trong Nam ngoài Bắc, thì một biến cố lớn xảy ra. Tháng 08, đầu tháng 09/2000, chị gom toàn bộ tiền của bản thân và tiền của các đại lý để đặt một lô hàng lớn. Số tiền gần 50.000 USD và đơn đặt hàng đã được gửi sang văn phòng đại diện của Dead Sea ở tòa tháp đôi New York, Mỹ thì vụ khủng bố ngày 11/09 tưởng rất xa xôi đối với Việt Nam nhưng đã đẩy Hương vào tình trạng khủng hoảng tưởng không thể gượng dậy nổi.

Các đại lý chỉ biết họ đã đưa tiền cho chị và chị phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước số tiền đó. Hương nằm bẹp trên tầng gác của căn nhà trên phố Bùi Thị Xuân, nơi gia đình chị thuê để làm cửa hàng ở các tầng dưới và chỗ ở trên tầng cao nhất. Chị gặp cú shock đầu tiên, quá sức tưởng tượng. Hương chưa có sự chuẩn bị để đón nhận biến cố này, mọi việc diễn ra trước đó quá suôn sẻ. Chị suy sụp và đôi lúc đã nghĩ đến việc tự tử khi các con nợ liên tiếp đến đòi tiền và thậm chí còn thuê cả đầu gấu đến dọa.

Trốn mãi cũng không được. Chết cũng không được. Vậy chỉ còn cách đứng dậy, xuống nhà và liên tiếp ký vào giấy… ghi nợ. Hàng hết, tiền hết, nhưng kinh nghiệm chuyên môn của một chuyên gia chăm sóc sắc đẹp và trên hết là niềm đam mê phục vụ vẫn còn đó. Hương tiếp tục công việc ở cửa hàng như một Beaty Salon bằng cách dạy cho các nhân viên bán hàng cách chăm sóc da, các kỹ thuật về dịch vụ làm đẹp mà trước đấy, Hương đã từng được học tại nước ngoài… Với cách phục vụ tận tình, chẳng mấy chốc Beauty Salon của chị lại đông khách nhất nhì Hà Nội.

Khi cơ hội đến phải huy động toàn bộ khả năng có thể để nắm bắt, khi gặp khó khăn phải dũng cảm đương đầu và đi tiếp, lúc đó đường sẽ lại mở ra trước mặt bạn. Đó là hai trải nghiệm sâu sắc của chị Hương trong thời gian này.

Không bao giờ thỏa mãn với hiện tại

Công việc lại dần đi vào ổn định, thu nhập trung bình trừ đi tất cả các khoản chi phí của cửa hàng lên tới 80 triệu VND/một tháng, nợ đã dần trả hết, thì một ý tưởng mới lại len vào đầu chị.

Một lần có một người khách, sau khi được sử dụng dịch vụ ở cửa hàng chị đã rất hài lòng thốt lên: Bọn em phục vụ khách tốt chẳng kém gì các spa ở nước ngoài. Sao em không mở spa nhỉ? Gợi ý đó làm Hương trăn trở về khái niệm spa vốn đã nhen nhúm và kích thích chị tìm hiểu sâu hơn. Hình ảnh về một dưỡng đường giàu chất thiên nhiên với cây xanh, không khí, sự cô tịch, nơi con người được thư giãn bằng các phương pháp trị liệu, giúp họ được trở về với bản thể sơ khai nhất, ngày một hình thành rõ nét hơn.

Spa dần trở thành nỗi ám ảnh. Chị suy tư về một không gian mang tính toàn cầu nơi mọi người, không kể màu da, tôn giáo, quốc tịch, trình độ văn hóa đều có cảm nhận giống nhau, nơi con người được chạm và hòa tan vào thiên nhiên. Hương hình dung, spa của chị sẽ sử dụng 100% các chất liệu từ thiên nhiên, thậm chí là ở dạng thô nhất, từ các vật dụng trong nhà, đến các hương liệu được sử dụng khi trị liệu, đến cả những con người phục vụ cũng phải là những cô thôn nữ, những người còn ít bị ảnh hưởng bởi nền văn minh vật chất bên ngoài.

Ngoài ra, Spa cũng phải có những bí truyền của những gia đình Việt Nam truyền thống xưa để tạo nên nét riêng biệt. Chị bắt đầu sưu tầm những phương pháp trị liệu cổ truyền của dân tộc. Hoài niệm thời thơ ấu về mùi hương mùi của nồi nước xông với sự chăm sóc tỉ mỉ của bà và mẹ, hiện rõ trong chị một cõi thiền mặc, thoảng mùi hoa đại với tiếng nhạc như vọng ra từ khoảng lặng nhất của tâm hồn đã đưa chị đến khát vọng muốn tạo ra một spa buộc người nước ngoài phải trân trọng những giá trị của người Việt cổ và bản thân người Việt như được ngược thời gian, trở về sống trong tình mẹ.


Khách ở Zen Spa

Trong hình dung đó, việc chị “gặp” cái tên Zen Spa giống như sự gặp gỡ của định mệnh. Một lần lang thang trên mạng để tìm một cái tên thích hợp, chị “google” lần lượt từ a,b,c,… đến chữ z và vô tình gõ thêm chữ e tiếp theo thì thấy hiện ra phía dưới chữ ZEN, click vào, nghĩa hiện ra là THIỀN.

Các Beauty Salon vào thời điểm 2002 bắt đầu có nhiều ở Hà Nội, công việc của Hương bị cạnh tranh khốc liệt, điều này lại càng làm chị quyết tâm thay đổi đưa dịch vụ của mình tiến lên một bước phát triển mới. Chị chia sẻ viễn tưởng mới về công việc của mình với gia đình, mọi người tá hỏa, mọi việc vừa mới đi vào quỹ đạo, thu nhập không hề nhỏ và là mơ ước của rất nhiều người. Mẹ chị phải thốt lên: Thôi lạy “bà”, không biết “bà” còn muốn gì nữa đây?

Tình cờ, cả gia đình chị được mời dự tiệc ở khách sạn Thắng Lợi. Thấy nhức đầu, chị đi ra ngoài cho thoáng, thì nhìn thấy một không gian dành cho spa đúng như trong tưởng tượng của mình. Đó là… bãi đỗ xe của khách sạn với rất nhiều cây xanh và rất thoáng đãng. Spa xây dựng ở đây rất phù hợp, hơn nữa lại có thể tăng thêm tiện ích dành cho khách nước ngoài vốn nghèo nàn của khách sạn. Spa có thể tận dụng được khách của khách sạn và thương hiệu của khách sạn được nâng lên tầm cao mới nhờ vào Spa. Viễn cảnh quá thuyết phục, khiến chị không thể chờ thêm phút nào nữa. Hương lập tức đi tìm giám đốc khách sạn để nói chuyện.

Ý tưởng của Hương gây được ấn tượng với người lãnh đạo nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Không nản, chị lại quay lại thuyết phục và thuyết phục. Với sự hình dung rõ nét và sống động của mình, Hương mô tả những-điều-đang-hiển-hiện trước mắt, Giám đốc Khách sạn Thắng lợi cuối cùng bị khuất phục.

Chị lập tức về nhượng lại cửa hàng ở Bùi Thị Xuân và bắt tay vào xây dựng ước mơ của mình, mặc dù biết rõ số tiền mình đang có rất nhỏ so với số vốn cần đầu tư. Chị lại bán xe máy và đi vay tiền. Vẫn không đủ. Tiền thiếu, tiến độ xây dựng rất chậm, đến nỗi giám đốc khách sạn Thắng Lợi phải gọi chị lên để hỏi: Có thực chị định xây dựng spa hay chỉ định… rửa tiền?

Đúng lúc đang bí thì mảnh đất chị đã đặt cọc, chưa đến thời hạn trả tiền, lên giá, chị lập tức bán quyền mua và lãi được mấy chục triệu. Chị phát hiện ra một phương pháp kinh doanh bất động sản mới, mua-quyền-để-bán. Vậy là vừa trông xây dựng spa, chị vừa đi xem ôm lùng sục các bất động sản có khả năng đem lại lợi nhuận cao để đặt cọc mua, sau đó bán đi lấy khoản tiền chênh. Trong suốt thời gian 8 tháng xây dựng spa, chị đặt cọc mua và bán hơn chục bất động sản. Tất cả những khó khăn này chị không dám hé răng nói với người thân một câu.

Đến tháng cuối trước khi khai trương, tiền hết, ban ngày, khi đi làm việc, chị hầu như chỉ gặm mỳ tôm để sống. Mọi thứ đều đã hòm hòm chỉ còn phải mua thêm một số trang thiết bị nữa mà không thể xoay thêm được tiền, chị đành phải kể hết với mẹ và xin mẹ thế chấp căn nhà mà bố mẹ chị đang ở. Không-còn-con-đường-nào-khác, mẹ chị đành phải đồng ý.

Khó khăn vẫn chưa hết khi Zen Spa khai trương lại vào lúc dịch SARS đang bùng nổ ở Hà Nội – 30/04/2003. Khi được mời đến dự khai trương, khách hàng cũ và những người bạn Việt của Hương vốn rất quý chị đã đến đủ nhưng không một ai tin là chị sẽ làm được điều gì trên một địa điểm vừa xa trung tâm, lại không có ưu thế “mặt đường” như vậy. Trong hơn 100 khách mời làm dịch vụ miễn phí trong những ngày đầu tiên, chỉ có một vài người quay trở lại nhưng chủ yếu vì tò mò muốn biết xem chị làm ăn ra sao.

Rất may mắn cho Hương trong số đó có một cô gái, con của ngài thị trưởng thành phố Nara của Nhật. Cảm nhận được sự tinh tế và đặc biệt của dịch vụ Zen Spa, cô đã quay lại và nói chuyện với Hương. Bị thuyết phục bởi ý tưởng xây dựng một spa thuần khiết thiên nhiên, Saori Koizumi (cô gái Nhật) đã tình nguyện làm người giúp việc để học nghề và tìm khách Nhật cho Zen Spa. Đối với Hương, Saori vừa là người học trò, nhân viên, bạn, vừa là ân nhân của chị.


Chị Hương trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tashchen của Đức

Trong khi người Việt Nam quay lưng lại với dịch vụ của Zen Spa, thì người nước ngoài, đặc biệt là người Nhật đón nhận nồng nhiệt. Cuộc mưu sinh của người Việt còn quá bề bộn, điều kiện kinh tế chưa dễ dàng, tâm hồn chưa đủ lắng để mọi giác quan có thể cảm nhận được sự tinh tế. Hương đã đúng trong việc định hướng khách hàng của mình là các đối tượng người nước ngoài. Có một người bạn làm biên tập cho tạp chí Heritage đặt trên máy bay của Hãng hàng không Airline, viết giúp Hương một bài quảng cáo về Zen Spa đăng trên tạp chí.

Thực sự bước chân vào một sân chơi lớn

Việc giúp đỡ của Saori và tác dụng của bài báo mang lại hiệu quả không ngờ. Đến tháng 08, Zen Spa đông khách đến nỗi năm nhân viên và cả cô chủ không đủ sức để phục vụ. Mọi việc rối tung, không kiểm soát được quy trình phục vụ, khách bắt đầu có những phản ứng xấu. Trước sự yêu mến cũng như thất vọng của khách, Hương cảm nhận được, Zen Spa không còn là “của riêng” chị mà thuộc sự “sở hữu” của cộng đồng khách hàng.

Chị đứng trước bài toán về thương hiệu, tầm nhìn, định hướng phát triển ngắn hạn, dài hạn và đặc biệt là việc thiếu hụt các kỹ năng quản lý. Đã đến lúc, Zen Spa không còn là “cuộc chơi” đơn thuần của đam mê, nếu muốn làm chủ công việc của mình, Hương phải nâng tầm bản thân để trở thành một người doanh nhân đúng nghĩa.


Chị Hương tại khóa học dành cho những người quản lý spa của London có chi nhánh tại Malaysia

Chị quyết định dứt khỏi công việc một tháng để học khóa dành cho những người quản lý spa của London có chi nhánh tại Malaysia, Hương trở về nước đúng lúc nhiều hãng du lịch lớn của Việt Nam chuyên về khách Nhật, đến ký kết hợp đồng hợp tác. Những người Nhật đã từng đến Zen Spa, khi về nước, kể với bạn bè người thân của mình và những người này đã đề nghị các hãng du lịch đưa họ đến Zen Spa khi tới Việt Nam.

Zen Spa “lột xác” trở thành một doanh nghiệp. Sản phẩm thực sự tốt chính là công cụ quảng bá duy nhất của Zen Spa trong thời gian đó. Để có thể điều hành được doanh nghiệp của mình Hương liên tiếp phải ra nước ngoài học các khóa học ngắn hạn về quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính.

Tiếng lành đồn xa, các đối tác lần lượt tự tìm đến và thuyết phục chị hợp tác. Các Zen Spa lần lượt ra đời theo hình thức franchising (nhượng quyền) hoặc được đối tác mua lại quy trình dịch vụ. Riêng trong năm 2004, chị đã rất nỗ lực phát triển để có thêm một khu Zen Spa ở 310 Nghi Tàm, bên bờ sông Hồng tại Hà Nội, đồng thời nhượng quyền thêm hai cơ sở ở thành phố Hội An. Một năm sau đó, Zen Spa cũng được các đối tác ký hợp đồng mua quy trình dịch vụ và ý tưởng xây dựng ở Sapa và Cát Bà. Công ty của chị đã và đang nhận được không ít lời mời hợp tác làm spa từ nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh nghỉ dưỡng, Hương rất lấy làm tiếc khi không đủ sức để làm được nhiều hơn nữa.

Năm 2008, với sự ủng hộ của chính quyền thành phố Đà Nẵng, chị cùng với các nhà đầu tư xây dựng một làng Spa lớn nhất Đông Nam Á tại đây. Chị kỳ vọng, khách đến với quần thể spa này không những được hưởng những dịch vụ tuyệt vời mà còn cảm nhận được văn hóa lâu đời của người Việt. Dự kiến, Zen Spa tại Đà Nẵng sẽ được khánh thành vào năm tới.

Tháng 11/2009 Zen Spa vinh dự được Hiệp hội Spa Đông Nam Á đề cử vào tranh giải thưởng Top 10 Spa toàn cầu.

Mồ hôi, nước mắt và sự sáng tạo

Tổng kết quãng đường đã qua, Hương cho biết chị đã đến với thành công bằng mồ hôi, nước mắt và cả trí tưởng tượng không cạn kiệt của mình. Có rất nhiều cách trở nên giàu có dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng chị đã chọn con đường để cho đam mê dẫn dắt.

Mồ hôi thấm đẫm những ngày tháng làm việc miệt mài, quên mình, có ngày tới 24 tiếng để thiết kế từng ly từng tý mọi không gian, mọi đồ vật trong spa cũng như không ngừng hoàn thiện các quy trình dịch vụ và đào tạo nhân viên. Về phần này, tôi cũng không cần phải nói nhiều nữa, tất cả những dòng viết phía trên đều đã toát lên ý này.

Nước mắt chảy ngược vào trong trước sự dị nghị của xã hội về một loại hình dịch vụ còn nhiều định kiến và bị đánh đồng với các loại dịch vụ “tươi mát” khác. Rất nhiều nhân viên của chị, sau một thời gian làm việc quen nghề đã buộc phải ra đi vì sự phản đối dữ dội của gia đình và người thân. Việc tuyển dụng nhân viên mới cũng thật khó khăn phần lớn bởi chính nguyên nhân này.


Nhân viên ở Zen Spa

Dở khóc, dở cười khi đào tạo nhân viên. Hiểu thấu điều con người là linh hồn trong mọi không gian họ sống, nên để tạo ra được một nơi mang đậm chất thiên nhiên, Hương phải tuyển nhân viên trực tiếp từ những vùng thôn quê. Nhìn thấy họ, bạn có thể lập tức cảm nhận được sự mộc mạc vương vất trên vóc dáng thô trong bộ quần áo bà ba, mớ tóc dài búi tó hoặc buộc gọn với khuôn mặt mộc. Họ là những người con gái được đưa thẳng từ đồng ruộng tới một môi trường đòi hỏi sự tinh tế cao.

Để dạy cho những thôn nữ bỏ được thói quen nói chuyện ồn ào, sinh hoạt có phần lạc hậu để có thể đi lại nhẹ nhàng, tinh ý cảm nhận được mong muốn của khách, chứ chưa nói đến những kỹ năng nghề nghiệp khác, đòi hỏi một sự nhẫn nại phi thường của người huấn luyện. Tôi nghĩ rằng, chị Hương không thể dùng sự giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường mà phải bằng tiếng nói của trái tim, bằng tình yêu nghề của chính bản thân mình. Chỉ có sự giao tiếp đó mới giúp con người vượt lên trên mọi rào cản về văn hóa và nhận thức để thấu hiểu nhau.

Trong suốt quá trình làm việc của mình, khai phá một loại hình dịch vụ mới, Hương đã phải sáng tạo không ngừng. Hầu hết các dịch vụ của Zen Spa từ cách phục vụ khách đến việc chế biến các hương liệu đều được chị đưa thành quy trình và cải tiến liên tục. Mọi thiết kế trong Zen Spa, từ bố cục, đồ gỗ, đến các vật dụng đặt trong đó, mang tính nghệ thuật cao đều xuất phát từ ý tưởng của Hương. Để làm được tất cả những điều đó, chị đã phải theo học một khóa học đặc biệt của nước ngoài để từ ý tưởng sơ khai ban đầu, có thể “lôi ra” thành một bản mô tả đưa cho người khác triển khai. Chị cho biết, mình hoàn toàn không sợ sự cạnh tranh và ăn cắp ý tưởng. Chỉ một ngày nào còn sống, chị sẽ còn ý tưởng và Zen Spa sẽ theo đó mà phát triển không ngừng.

Người phụ nữ tràn đầy sức sống và nghị lực cho biết kinh doanh là một cuộc chơi đầy sóng gió, và không bao giờ hết khó khăn, thành công ngày hôm nay chỉ là tiền đề tốt cho ngày mai nhưng không đảm bảo sự thành công 100%, chỉ có niềm tin và nghị lực mới giúp vượt lên tất cả để giành chiến thắng.

Chúc cho ước vọng của chị về sự khởi sắc của một ngành công nghiệp không khói khai thác những chất liệu thiên nhiên và tinh thần của người Việt, tạo ra một nét thương hiệu riêng của Việt Nam, cũng như mong ước, một ngày nào đó, mọi người Việt dù sống ở đâu nhưng khi nghe đến cái tên Zen Spa đều hoài niệm về một thời thơ ấu thoảng mùi hương cỏ cây với sự chăm sóc như tình mẹ, sớm trở thành hiện thực.

(Theo Hoclamgiau.com)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Favorites More