Năm 2008, Đặng Thị Thủy (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) được 25 điểm, trở thành thủ khoa khối C Học viện Cảnh sát. 5 năm sau, cô gái sinh năm 1990 tốt nghiệp với số điểm cao nhất trường.
Đặng Thị Thủy đã nỗ lực rất nhiều trong môi trường mà nam giới có nhiều lợi thế. |
Có dáng người nhỏ nhắn cùng nụ cười tươi tắn, Đặng Thị Thủy nổi tiếng ở
Học viện Cảnh sát bởi kết quả học hành xuất sắc của mình. Thủy cho biết
có được ngày hôm nay là nhờ sự dạy dỗ, động viên rất lớn của gia đình,
thầy cô cũng như mảnh đất truyền thống hiếu học Yên Thành xứ Nghệ. Trong
đó, đặc biệt là hình ảnh người cha quá cố luôn theo cô suốt 5 năm ở
giảng đường đại học.
Thời học cấp 2, cô bé Đặng Thị Thủy học đều các môn ban tự nhiên cũng
như xã hội và bố của cô muốn hướng cô theo khối A. Cô nhận thấy ở khối
A, mình không phải người giỏi nhất; còn nếu theo khối C cô tự tin mình
là người nổi trội. Sự tự tin và bản lĩnh
khiến bố Thủy không thể cản được, đành phải tôn trọng quyết định của
con. Ông nghiêm khắc: "Đã tự quyết định thì sau này có làm sao cũng phải
tự mà gánh chịu, không được kêu ca". 8 năm trôi qua, câu nói ấy cứ đau
đáu trong tâm trí Thủy.
Đó cũng chính là lời nhắc nhở giúp cô gái trẻ
dám đối đầu để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Với tư tưởng "đã xác định theo là theo đến cùng, không bị lung lay, suy
chuyển", Thủy không chỉ thi đỗ đại học mà còn giành ngôi thủ khoa của
Học viện Cảnh sát Nhân dân. Cho đến bây giờ, Thủy vẫn chưa khi nào cảm
thấy hối hận vì đã theo khối C. Bố Thủy không một lời khen ngợi con gái,
chỉ gật đầu tỏ ý hài lòng. Chuẩn bị bước sang cánh cửa mới, ông nhắc
nhở con: "Không được chủ quan mà phải cố gắng vì chặng đường còn rất
dài".
Đó có lẽ là lời nhắc nhở cuối cùng ông dành cho con gái yêu. Sau tai
nạn cách đây khoảng 5 năm, bố Thủy đã ra đi mãi mãi, để lại vợ cùng ba
đứa con đang tuổi ăn học. Đau đớn khôn cùng, Thủy bước đến thành phố lạ
lẫm, không người thân thích, tất cả phải tự chăm lo. "May mắn là mình
từng đi ở trọ 3 năm thời cấp 3 rồi nên không thấy khó khăn lắm", Thủy
nhớ lại.
Có bản lĩnh mạnh mẽ nhưng Thủy cũng rất nữ tính, duyên dáng. |
Những ngày đầu đến trường thật khó khăn với Thủy. Cô gái cho biết không
sợ những môn lý thuyết trên giảng đường nhưng những môn thể chất như
võ, bơi lội, lái xe, bắn súng… thì thật là ác mộng. Theo Thủy, những môn
này đòi hỏi nhiều về thể lực, phù hợp với nam giới hơn.
Kể về kỷ niệm trong thời gian học các môn này, Thủy chẳng thể nào quên
được 2 lần chấn thương dây chằng và xương sườn, phải bó bột mất mấy
tháng trời. Đặc biệt là trong một lần thực hành bắn súng, trong khi cả
lớp bắn được thì Thủy vẫn loay hoay chưa trúng phát nào. Sau lần ấy, cô
cảm thấy thất vọng về bản thân ghê gớm: "Làm thế nào bây giờ?". Câu hỏi
ấy cứ lẩn quẩn trong đầu Thủy. Từ đó,
cô bắt đầu đi tìm nguyên nhân gây ra hậu quả này. Thủy cho rằng, muốn
học tốt các môn đòi hỏi thể lực nhiều thì cần có cái nhìn bình đẳng giữa
nam giới và nữ giới.
Riêng vấn đề bắn súng, cô bình tĩnh xem lại tâm lý và kiểm tra đôi mắt
của mình. "Phải bình tĩnh mới tìm ra cách giải quyết, bất kể là việc
gì", cô gái nhỏ nhắn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.
Cô cũng khẳng định, việc thay đổi một điều gì đó theo hướng tốt đẹp
hơn, nhất định phải có động lực. Thời cấp ba, với cương vị lớp trưởng
nên đôi khi, những môn thể dục Thủy được thầy cô ưu ái và cho điểm cao.
Nhưng nhìn thấy bạn bè trong lớp cứ tiến bộ dần, còn mình thì cứ ì ạch
một chỗ, Thủy quyết tâm học được môn thể dục bằng chính sức lực của
mình.
Mỗi sáng sớm và chiều tối, cô đều dậy sớm chạy thể dục. "Cố gắng đi,
sau lần này mình sẽ không phải học thể dục nữa", cô tự nhắc nhở mình.
Kết quả thật như mong ước. Lần đầu tiên Thủy đạt điểm 10 chạy nhanh,
điểm 9 chạy bền. Lần chạy bền về đích gần như nhanh nhất, cô đã khóc vì
thấy môn thể dục khổ quá và cũng khóc vì sung sướng.
Môn thể dục tưởng chừng là nhỏ nhặt nhưng Thủy khẳng định, chính nó lại
tạo động lực cho tất cả các môn "khó nhằn" khác: "Môn thể dục mình còn
làm được thế kia, những môn khác lẽ nào lại không làm được?". Một lần
nữa, cô cho thấy, động lực rất quan trọng trong thay đổi bất kỳ một việc
gì.
Bước vào đại học, tinh thần Thủy thoải mái hơn vì không phải chịu ít
nhiều sự áp đặt của thầy cô. Khả năng tự nghiên cứu đòi hỏi cao, trong
đó khả năng biểu đạt, thuyết trình vô cùng quan trọng, yêu cầu có tố
chất, sự thông minh. Đây cũng là một trong những điều quan trọng nhất
mà trường đại học đã đem lại cho Thủy. Năm cuối, Thủy phải học nhiều các
kiến thức về tài chính, kế toán, đất đai, bất động sản… Nền tảng kiến
thức xã hội ấy phong phú, đòi hỏi nhiều tư duy của khối A.
Với lợi thế học được cả 2 khối A và C, những điều này không khiến Thủy
cảm thấy quá khó khăn. Điều quan trọng nhất giúp cô giành vị trí thủ
khoa tốt nghiệp chính là sắp xếp thời gian hợp lý và toàn tâm toàn ý để
đạt hiệu quả tốt nhất.
Nữ thủ khoa kép (bên trái) cùng hai người em đang theo học ở Hà Nội. |
Thủy còn là một người năng nổ trong hoạt động Đoàn, Đội. Năm 2008, với
ngôi vị thủ khoa đầu vào, Thủy là sinh viên duy nhất được kết nạp vào
Đảng. Cô là bí thư chi Đoàn năng nổ trong các hoạt động văn nghệ, làm MC
dẫn chương trình, biên tập viên của tờ báo ngành Người cảnh sát trẻ… Đến năm 2013, Thủy một lần nữa giành ngôi thủ khoa của Học viện Cảnh sát, vốn có nhiều lợi thế cho nam giới hơn.
Thầy Nguyễn Mậu Hiếu, giáo viên chủ nhiệm lớp Điều tra chất lượng cao
B11 D34, cho biết: "Thủy là một thủ khoa đầu vào K34 với số điểm 25, đầu
ra là 8,64. Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng em vẫn luôn cố gắng
vươn lên trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, có
nhiều công trình nghiên cứu khoa học đạt giải cao".
Sau 5 năm gắn bó với Hà Nội, tháng 9 này, Thủy sẽ nhận quyết định chính
thức về quê hương xứ Nghệ làm việc. "Mẹ mình đang ở quê, hai em vẫn
phải học ngoài này vài năm nữa. Phải kiên cường lắm mẹ mới có thể nuôi
dạy cả ba chị em học chuyên, rồi đại học, giờ đã đến lúc trở về để đỡ
đần mẹ", Thủy chia sẻ. Tình yêu thương trong đôi mắt của nữ thủ khoa kép
Học viện cảnh sát dấy lên long lanh ánh nước.
Bài và ảnh: Nguyễn Hòa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét