Không chỉ là một người Phụ nữ thành công trong sự nghiệp, chị còn là người có trái tim nhân hậu. Công việc kinh doanh bận rộn, nhưng trên đất Mỹ chị luôn hướng về quê hương với tâm sự ấp ủ: “Mình làm được tại đất khách quê người, thì tại sao mình lại không giúp đỡ nhiều hơn nữa cho người dân quê hương, cho những người nghèo khó Việt Nam giống như mình ngày trước”.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến
Được đến trường nhờ những thùng nước gạo
Đặng Thị Hoàng Yến sinh ngày 1/6/1959 trong một gia đình công chức nghèo và là chị cả 6 người em. Cha luôn dặn chị: “ Con là con chim đầu đàn, con bay theo hướng nào thì các em con cũng sẽ bay theo hướng đó”. Hiểu rõ được trách nhiệm lớn lao mà cha mẹ đặt vào mình, chị luôn cố gắng vượt khó vươn lên.
Năm 1976, chị đỗ vào trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Do gia đình nghèo, nên con đường từ nhà đến trường dài hàng chục cây số, nhưng hàng ngày chị phải dậy từ rất sớm đi bộ đến trường.
Khi cha mẹ mua được chiếc xe đạp cho chị bằng tiền đi vay, thì hàng ngày chị lại kiêm luôn nhiệm vụ chở hai thùng đến khu tập thể để xin nước gạo, cơm thừa về nuôi heo. Chính nhờ những con heo đó mà mấy chị em Hoàng Yến được học hành.
“Có một kỉ niệm mà có lẽ không bao giờ tôi có thể quên, đó là có lần ba tôi đã cho tay vào mồm con heo để lấy cho được trái khế chặn trong cổ họng nó, mặc cho con heo cắn tới chảy máu lênh láng. Vì nếu con heo mà chết thì cả gia đình chúng tôi sẽ chẳng còn Tết nữa! Bây giờ mỗi khi nghĩ về cha, tôi lại thấy hiện lên hình ảnh người cha với bàn tay đầy máu, vì cái Tết của chúng tôi”, chị Yến nghẹn ngào kể.
Chính điều đó đã đi cùng năm tháng theo chị, đốt cháy trong chị khát vọng vươn lên để đổi đời. Năm 1980, chị tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh và được phân công về làm việc cho Quận 5 ( TP Hồ Chí Minh). Sau đó, năm 1992 chị được bổ nhiệm chức vụ giám đốc đầu tư của Trung tâm Xúc tiến Đầu tự trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh. Ở đây, chỉ trong 2 năm, chị đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài và nâng tiền đầu tư lên 1,5 tỉ USD.
Quyết chí làm giàu
Năm 1993, chị quyết định bỏ chức giám đốc đầu từ của trung tâm Xúc tiến Đầu tư, ra ngoài đi làm thuê cho các công ty nước ngoài với khát khao “ phải làm được cái gì đó tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và tạo được nhiều công ăn việc làm cho những người nghèo”. Chị đã dành dụm từng đồng lương để thực hiện khát khao ấy. Khi có một chút vốn, chị thành lập công ty riêng.
Đầu tiên, chị chọn vùng đất nhiễm mặn Tân Tạo thuộc huyện Bình Chánh, một trong những huyện nghèo nhất TP Hồ Chí Minh để khởi nghiệp. Không ít nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát vùng đất này rồi lại lắc đầu ra đi. Chị nghĩ: người nước ngoài ra đi thì chỉ có người Việt Nam mình mới có thể đánh thức mảnh đất quê hương mình. Chị đã bắt tay vào biến vùng đất sình lầy, ngập mặn kia thành khu công nghiệp được như ngày nay.
“Nhìn vào sự thành công của Khu công nghiệp Tân Tạo ngày hôm nay, tôi không thể không nói lên sự biết ơn của mình đối với những đồng chí lãnh đạo như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người đã kí quyết định đầu tiên giao đất cho một công ty tư nhân để làm khu công nghiệp và không thể không kể đến chị Nguyễn Thị Hiệp, anh Tam Bảo, Chủ tịch và Bí thư của huyện Bình Chánh, giáo sư Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đỗ Quốc Sam, đồng chí Trương Tấn Sang, Bí thư thành ủy và đồng chí Thanh Hải, chủ tịch UBND TP HCM khi đó. Các đồng chí đã mạnh dạn tin tưởng cho chúng tôi một cơ hội để tự khẳng định mình", chị Hoàng Yến nói.
Tính đến thời điểm năm 2008, chỉ riêng khu công nghiệp Tân Tạo đã thu hút hơn 300 nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư thực hiện trên 600 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động.
Không ngừng vươn xa
Mặc dù đã trở thành người Phụ nữ thành công và giàu có nhất Việt Nam, nhưng lời dạy bảo ân cần của người cha vẫn thôi thúc chị. Chị quyết định bay sang nước Mỹ để tiếp tục sự nghiệp kinh doanh đầy chông gai với mong muốn sẽ học được cách làm ăn chuyên nghiệp ở một cường quốc lớn nhất về kinh tế của thế giới.
Từ bỏ cuộc sống tiện nghi, chị một mình dấn thân sang nơi đất khách quê người, không người thân thích, không bạn bè. Vốn ít, kinh nghiệm kinh doanh quốc tế chưa có,cơ hội làm ăn thật mong manh, xa vời. Các ngân hàng đã ví chị như người ngoài hành tinh.
Vì ở Mỹ, mỗi doanh nghiệp, mỗi con người được đánh giá qua độ tín nhiệm mà người ta gọi là Credit – Credit của chị là con số 0. Có lẽ khó ai có thể hình dung ra được những khó khăn, thử thách và chông gai trùng trùng điệp điệp đối với một nữ doanh nhân đơn độc nơi đế chế của nền kinh tế thị trường đã phát triển mất trăm năm.
Làm gì đây để vượt qua thử thách này? Phải tìm ra con đường mới, phải tìm lấy một cơ hội, dù chỉ là qua khung cửa hẹp. Chị tâm sự: “Việc đầu tiên tôi phải làm là tìm hiểu các quy định về thuế, miệt mài lướt web, đọc sách báo tìm thông tin liên quan, đầu tư bất động sản là lĩnh vực mà tôi đã có ít kinh nghiệm khi đã khởi nghiệp tại Việt Nam”
Cuối cùng cánh cửa tưởng như kép kín cũng đã được chị bật tung ra và dự án đầu tiên được đầu tư bằng giấy phép đầu tư nước ngoài do Bộ kế hoạch và Đầu tư cấp: đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở trên diện tích 10.43 area ở Mỹ đã được khởi đầu và món nợ 500.000 USD chính là món nợ đầu tiên được ngân hàng cho vay, tiếp theo các dự án cứ lớn dần lên hàng năm. Chị đã xây dựng được chỉ số tín dụng của mình và của công ty bằng cách luôn trả lãi suất đúng hạn…
Bà tiên của người nghèo
Không chỉ là một người Phụ nữ thành công trong sự nghiệp , chị còn là người có trái tim nhân hậu. Công việc kinh doanh bận rộn, nhưng trên đất Mỹ chị luôn hướng về quê hương với tâm sự ấp ủ: “Mình làm được tại đất khách quê người, thì tại sao mình lại không giúp đỡ nhiều hơn nữa cho người dân quê hương, cho những người nghèo khó Việt Nam giống như mình ngày trước”.
Từ suy nghĩ đến hành động, chị đã giúp người nghèo trên quê hương mua nhà trả góp, tài trợ cho giáo dục… Hàng chục năm qua, chị và Tập đoàn Tân Tạo đã xây dựng hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, xây dựng nhiều trường học, tặng nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên cả nước.
Chỉ trong 4 năm qua, Tập đoàn đã đóng góp gần 49 tỉ đồng để xây dựng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương, xây dựng trường học… để tặng cho các địa phương nghèo, tham gia tích cực vào hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt… trong nước và ở cả các nước bạn như Lào, Campuchia…
Đặc biệt, tháng 5/2007,chị đã tự nguyện bỏ ra lợi nhuận làm ra được từ nước ngoài cùng tập thể Ban lãnh đạo Tập đoàn quyết định sáng lập 3 quỹ từ thiện xã hội. Thứ nhất ITA-Vì tường lai (dành cho những học sinh, sinh viên nghèo học giỏi). Thứ hai, ITA- Chiến thắng bệnh tật (dành cho trẻ em nhiễm chất độc màu da cam). Thứ ba, ITA Hàn gắn vết thương (dành cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người già không nơi nương tựa). Với mong muốn làm sao có thể đến được nhanh nhất, hiệu quả nhất với các đối tượng đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của xã hội.
Trong ngày ra mắt chính thức 30/9/2007, Qũy ITA-s đã dành số tiền hơn 21 tỉ đồng cho các quỹ và chương trình từ thiện. Tháng 9 vừa qua chị và Tập đoàn đã tài trợ 1.480 suất học bổng cho “Hoa Trạng Nguyên” với niềm hy vọng các em rồi đây sẽ trở thành những cánh chim góp phần đưa đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 21.
ITA với các hoạt động mạnh trải dài trên mọi miền đất nước, đến trực tiếp với những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, không phân biệt độ tuổi, giới tính, địa phương… đã và đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm, chú ý của nhiều đối tượng.
Bên cạnh đó với lực lượng hơn 50.000 thanh niên công nhân đang công tác, Khu công nghiệp Tân Tạo là một trong những nơi có sự quan tâm chăm sóc về vật chất lẫn tinh thần cho lực lượng thanh niên công nhân tốt nhất với các chương trình hội thao, các tuần lễ văn hóa, các đêm diễn văn nghệ với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng, các chương trình ngày hội việc làm, thăm và tặng quà cho công nhân ăn Tết xa nhà… được tổ chức thường xuyên, thu hút được hàng nghìn lượt thanh niên công nhân tham gia.
Cái tên Hoàng Yến không còn xa lạ gì với các em học sinh sinh viên thủ khoa trên cả nước và những công nhân nghèo. Nếu ai đã từng được nghe chị chia sẻ kinh nghiệm với học sinh sinh viên mới thấy hết được cái nhiệt huyết của chị với thế hệ trẻ.
Mỗi lần đứng trước các sinh viên, chị không còn là một bà Chủ tịch tập đoàn lớn hay một người Phụ nữ giàu nhất Việt Nam mà là một người mẹ, người chị cả đang truyền lại cho con em mình những kiến thức, kinh nghiệm quý báu và hơn ai hết là những nghị lực và bản lĩnh mà chị đã từng trải qua để các em học tập mai sau ra đời lập nghiệp.
“Khó khăn trong kinh doanh được ví như là cánh cửa đóng chặt nhưng nếu chỉ có một khe hở nhỏ đủ để một sợi tóc xuyên qua, tôi cũng sẽ bẩy tung cánh cửa đó để bước chân vào”, chị Yến chia sẻ. Còn khi được các em sinh viên và giáo sư đại học hỏi: “Điều gì chị muốn khuyên các em sinh viên - những người chủ của tương lai nên tránh?” chị đã trả lời ngay, bởi nó đã có sẵn và đã trở thành lẽ sống của chính chị: “Điều mà mình không muốn người khác làm với mình thì đừng nên làm”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và bà Đặng Thị Hoàng Yến - CT HĐQT Tập đoàn Tân Tạo trong ngày trao giải thưởng Hoa
Hiện tại chị đang hoàn thành nốt dự án “Xây dựng trường Đại học chất lượng cao Tân Tạo ở Long An”, chị nói: “Đây là trường học dành cho các em học sinh, sinh viên nghèo, nhưng nó sẽ là trường Harvard riêng của Việt Nam".
Chị có sự nghiệp thành công rạng rỡ, nhưng chuyện gia đình của chị thật buồn. Nhiều năm trước, một vụ tai nạn giao thông đã cướp mất của chị người chồng thân yêu. Đến giờ khi nhắc về chồng, chị vẫn thẫn thờ: “Mất anh là tổn thất lớn nhất trong đời tôi. Tôi đã nghĩ mình sẽ không vượt qua được nỗi đau này. Nhưng cuộc sống cứ trôi và chị phải giấu trái tim yếu đuối trong mình để gánh vác việc nhà, chăm lo dạy bảo con cái nên người.
Người mẹ dịu dàng
Hai người con gái của chị chính là động lực mạnh mẽ để chị đứng dậy và vươn lên như ngày nay. Các con gái của chị cũng luôn xứng đáng với sự hi sinh của mẹ. Cả hai đều ngoan và học giỏi. Cô con gái đầu của chị - Nguyễn Phương Anh, đã tốt nghiệp trường Đại học Oxford (Anh) là một trong ba người được trường Kịch nghệ Hoàng gia Anh (Royal Drama Academics School – RADA) chọn làm đạo diễn.
Năm 2002, Phương Anh là một trong 10 sinh viên đạt điểm tuyệt đối về Luật của nước Anh. Đến năm 2003, Phương Anh lại đoạt giải nhì Văn chương toàn nước Anh và năm 2004 cô đoạt giải nhì cuộc thi phim danh cho các đạo diễn đang là sinh viên ở Anh.
Hiện nay, cô quyết định tạm ngừng việc học để quay trở về Việt Nam tạo dựng một sự nghiệp mới còn rất non trẻ ở Việt Nam, đó chính là lĩnh vực truyền hình và công nghệ điện ảnh. Còn cô gái út năm nay cũng đã vào trường đại học và đang phấn đấu sẽ nối tiếp sự nghiệp kinh doanh của mẹ.
Đối với chị, con cái là điều quan trọng nhất. Do công việc kinh doanh, chị phải thường xuyên xa các con, nhưng khi các con cần thì chị luôn có mặt.
Chị chia sẻ: "Mình không thể ở sát bên các con để đặt tay chỉ việc, mà phải biết nuôi dạy cho con có niềm đam mê, nuôi dưỡng cho con biết có một ước mơ lớn để chính các cháu tự phấn đấu theo đuổi ước mơ của đời mình. Điều quan trọng là bản thân mình phải luôn là tấm gương sáng để các con nhìn vào đó mà phấn đấu".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét