Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Chàng SV thu nhập ngàn đô từ dạy thêm

Nếu như nhóm sinh viên ĐH Ngoại thương tận dụng lợi thế từ danh hiệu thủ khoa đại học, thì chàng sinh viên ĐH FPT lại phát huy sở trường dân chuyên Toán rành tiếng Anh để bước chân vào thị trường giáo dục ngay từ những năm đầu đại học.

Nhóm gia sư thủ khoa nay đang mở rộng quy mô hoạt động, còn chàng sinh viên Phan Quang Điệp đến giờ, lương tháng đã ổn với hơn 1.000 USD mỗi tháng. Họ đều là những người trẻ nhanh nhạy, chóng nhận ra điểm khuyết của giáo dục hiện nay và không ngần ngại bước vào thị trường giáo dục với lợi thế riêng có của mình.



Đã từng đi thi, biết nỗi khổ của các gia đình nên nhóm gia sư thủ khoa cam kết nếu HS đỗ mới thu toàn bộ học phí. Đầu tư cho con vào đại học là khoản đầu tư lớn với nhiều gia đình nông dân Việt Nam.

Lớp học '3 chung" giữa hành trình tới Mỹ

Từ nhu cầu tìm lớp học tốt trong dịp trước thi tuyển sinh ĐH-CĐ của học sinh và phụ huynh, nhóm bạn trẻ gồm những sinh viên gồm thủ khoa đầu vào các trường ĐH, giải nhất các kỳ thi trong nước và quốc tế đã thành lập lớp học gia sư cao cấp với hình thức khá lạ.

Ăn chung, ở chung, học chung là hình thức dạy học của nhóm bạn trẻ gồm: Lê Minh Thông (thủ khoa đầu vào kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009, ĐH Ngoại thương), Hà Khương Duy, Nguyễn Hoàng Hải (lần lượt là HCV, HCB Olympic Toán quốc tế 2009) cùng trưởng nhóm Đinh Quang Cường, (26,5 điểm kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009) đứng ra tổ chức.

Học sinh khi tham gia lớp học sẽ được ăn ở cùng với các “thầy giáo”, bất cứ khi nào có thắc mắc cần hỏi sẽ được tận tình hướng dẫn. Không chỉ thế, đầu giờ sáng hay mỗi buổi chiều, mọi người lại cùng nhau tham gia các hoạt động thể dục thể thao.

Tổng cộng chi phí thuê nhà ở, ăn uống, học “thầy” của mỗi em trong vòng 1 tháng là 6 triệu đồng. Chi phí đã được nhóm tính toán chi tiết sao cho thích hợp nhất với các gia đình.

“Đơn giản bởi bọn em đã từng ăn học, đi thi nên biết nỗi khổ của các gia đình. Nhóm cam kết nếu các em đỗ mới thu toàn bộ” – Đinh Quang Cường, trưởng nhóm cho hay. 4 bạn đầu tiên học tại lớp thì 2 bạn đã đỗ ĐH, 2 bạn đang học CĐ.

Cường không sao quên được buổi mình qua huyện Đông Anh, Hà Nội đón các em vào lớp học ở trung tâm thủ đô.

“Trước đó em đã phải cất công thuê người nấu ăn, thuê nhà trọ, gọi điện mời các bạn tới gia sư cùng,.. xong hết rồi. Vậy nhưng trên đường sang đón thì phụ huynh các em gọi điện nói cô chú vẫn lo lắm. Thôi Cường không phải sang nữa đâu, để các cháu học bên này cũng được.

Em như rụng rời chân tay mắt ướt nhòe. Nhưng vì đã hứa với các bạn, đã bỏ tiền ra lo bao nhiêu việc nên em vẫn sang. Vừa cố gắng thuyết phục lại thêm được sự ủng hộ của các em thí sinh (trước đó bọn em cũng có kèm các em vài buổi) nên cuối cùng họ cũng gật đầu đồng ý để em được các bạn đi.

Vì đều đã bảo lưu kết quả, học tiếng Anh chờ kết quả đăng kí đi học ở Mỹ theo chương trình của Nhà nước nên Thông, Hải, Duy có nhiều thời gian dành để ôn luyện cho các em.

Với thành công ban đầu, Đinh Quang Cường dự định trong kì thi tuyển sinh này sẽ tiếp tục mô hình của mình ở quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn.

“Em sẽ mời thêm các bạn thủ khoa năm ngoái như Tăng Văn Bình, thủ khoa 30/30 ĐH Ngoại thương và các bạn khác cùng tham gia với nhóm. Sẽ có nhà nấu ăn, phòng riêng để tiếp đón phụ huynh, giới thiệu mô hình để gia đình yên tâm “giao con” cho chúng em”.

Tâm sự về khoản tiền khi thu được, Thông cho biết: “Năm trước sau khi kết thúc khóa học nhóm đã tổ chức chuyến đi xuyên miền Bắc. Năm nay nếu thành công bọn em dự định sẽ làm chuyến du lịch xuyên Việt như một kỉ niệm đẹp trước khi sang Mỹ học tập”.

Từ chạy “sô” kiếm sống tới khát vọng mở trường riêng


Nếu như chuyện luyện thi như một “tiểu dự án” trong chuỗi hành trình chờ du học của các bạn thủ khoa với thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng, thì chuyện dạy thêm thực sự giúp Phan Quang Điệp sớm thành “đại gia sinh viên”. Việc cộng tác, đi dạy cho nhiều trung tâm ôn luyện cho các em học sinh tiểu học, THCS thi lên cấp, thi Olympic của Phan Quang Điệp, sinh viên ĐH FPT khiến cậu nay đã có thu nhập hơn 1.000USD/tháng.



Phan Quang Điệp

Là học sinh Toán, khối THPT Chuyên Toán-Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội nên Điệp khá tự tin với vốn kiến thức Toán học mình được dạy.

“Chân ướt chân ráo” lên ĐH, khát khao làm kinh doanh, muốn thành công, Điệp đã tự mình tìm hiểu, tham gia môi giới bất động sản. Hơn 2 tháng “dò dẫm” đến từng công ty, gặp những con người thành đạt, tìm hiểu con đường dẫn tới thành công của họ là nền tảng để sau này thôi thúc cậu theo đuổi sự nghiệp kinh doanh.

Song song với đó, công việc chính của chàng sinh viên 8X đời cuối (1989) này là đi dạy thêm. Học trò của bạn là những em nhỏ chuẩn bị thi vào cấp 2, cấp 3 các trường chuyên trên địa bàn Hà Nội.

Một trong những lợi thế lớn của Điệp đó là khả năng dạy Toán bằng tiếng Anh.

Từ chuyện dạy lẻ tẻ thông qua bạn bè Điệp được giới thiệu vào các “lò” của các giáo viên “có thương hiệu”, rồi trung tâm huấn luyện học sinh thi Olympic châu Á Thái Bình Dương.

Cho đến cuối năm 3, nhờ đi dạy ở các trung tâm mà nguồn thu nhập của bạn khá ổn định thường dao động từ 30-40 triệu đồng (tức từ 1500-2000 USD/tháng)

Điệp tâm sự: “Tất nhiên, nếu mình không đi làm thêm, gia đình vẫn sẽ chu cấp đầy đủ. Nhưng mình đi làm phần vì đam mê, phần vì không muốn phụ thuộc gia đình”.

Cuộc đời con người, theo Điệp, sớm hay muộn cũng sẽ phải vất vả, bươn chải:

Nếu mình bắt đầu càng sớm bao nhiêu thì có thể cuộc đời sau này sẽ sống hạnh phúc hơn. Đi làm sớm cho mình những điều trường lớp không dạy bạn như cách nắm bắt tâm lý con người, cách xây dựng các mối quan hệ.
“Nếu mình bắt đầu càng sớm bao nhiêu thì có thể cuộc đời sau này sẽ sống hạnh phúc hơn. Đi làm sớm cho mình những điều trường lớp không dạy bạn như cách nắm bắt tâm lý con người, cách xây dựng các mối quan hệ,…”.

Tự nhận mình là người may mắn khi có nhiều người giúp đỡ, hay đúng hơn là “đỡ đầu” nên hiện chàng trai này có một vị trí công việc ít bạn cùng lứa tuổi có được, đó là thành viên Hội đồng quản trị, Phó Giám đốc một Trung tâm tư vấn và đào tạo tại Hà Nội.

Nhưng để có được may mắn đó, cậu cho hay: “Mình chỉ thành công, đạt được những đỉnh cao khi được làm những công việc yêu thích. Trước đó, mình đã được học rất nhiều khóa đào tạo về thay đổi tư duy, phương pháp kinh doanh,…

Cuộc đời thực sự thay đổi khi từ đầu năm 3, mình tìm ra mục tiêu, hướng đi cụ thể cho chặng đường phía trước ấy là sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Mình cũng khác nhiều bạn sinh viên, đó là chỉ tập trung học những gì cuộc đời mình cần thôi”.

Thường xuyên cập nhật những chương trình đào tạo của nước ngoài nên Điệp có nhiều trăn trở về phương pháp giáo dục thường thấy hiện nay:


“Cách tiếp cận vấn đề của chúng ta khác nước ngoài. Nếu mình thiên về lý thuyết thì họ chú trọng đến ví dụ cụ thể. Cùng là toán nhưng ví dụ học về hình chóp các em được giới thiệu về kim tự tháp, biết được sự hình thành của nó, tức là trong toán có lịch sử,…Học sinh vừa thích thú, vừa nhớ lâu.

Thêm nữa, việc dạy kĩ năng cho học sinh, sinh viên đều thiếu, yếu dẫn tới chuyện một là học sinh mất quá nhiều thời gian để học, không có thời gian chơi, làm các công việc yêu thích. Quan trọng hơn cả là nhiều bạn không xác định được mục tiêu, hướng đi cuộc đời".


Tự nhận mình chưa phải là người thành công nhưng Phan Quang Điệp chia sẻ mơ ước trong tương lai là mở được ngôi trường dạy mọi người cách đạt được thành công về tài chính, có cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Trên hết, đó phải là ngôi trường khác biệt hoàn toàn các mô hình trước đây.

Và mình nghĩ nó không hề viển vông. Khi nhiều người có cùng chung ước mơ, mọi điều đều có thể thực hiện được”.

  • Văn Chung (Vietnamnet.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Favorites More