Có lẽ phần đông chúng ta khi đăng ký tham gia làm thành viên hoclamgiau.vn đều tự đặt câu hỏi: “Không biết làm giàu có thực sự học được như khẳng định hùng hồn của Ban lãnh đạo Dự án?”. Trên trang đã có rất nhiều bài viết phân tích sâu sắc về vấn đề này, nhưng lý thuyết thường ít tính thuyết phục. Vì vậy, trong mục Nhân vật tuần này, chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn một nhân chứng sống cho việc làm giàu có thể học được. Nhờ học, không những anh đã trở thành giàu có mà còn giúp được cho nhiều người khác cũng đi theo con đường anh đã đi để trở thành giàu có như anh. Người đó là anh Ngô Quang Hùng - chủ của website tài chính 115.com
Anh Ngô Quang Hùng
Con người phi thường được thức tỉnh nhờ những chú bò Ba VìAnh Hùng sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở Hà Nội. Nghèo đến mức quyển vở nháp bao giờ anh cũng phải dùng bút chì nháp lần một, sau đó tẩy hết đi nháp lại; cả tuổi thơ anh chưa từng bao giờ được mặc một bộ quần áo mới…
Năm 12 tuổi bị chấn thương sọ não, từ đó trí tuệ có phần bị ảnh hưởng, trí nhớ anh kém đi. Anh học 12 năm mới tốt nghiệp hệ trung học phổ thông 10 năm, thi đại học năm đầu bị trượt, năm thứ hai vừa đủ điểm đỗ. Giấy nhập học chưa đến, giấy gọi nghĩa vụ quân sự đã chờ ngoài cửa. Sau hai năm đi bộ đội, anh xuất ngũ và đến với giảng đường đại học. Theo lời anh, căn bệnh “dốt” vẫn không buông tha, nhưng nhờ có thời gian phục vụ trong quân ngũ được ưu tiên trượt 1,5 môn/1 năm vẫn được lên lớp và sự nỗ lực cần cù, nên anh đã tốt nghiệp đại học.
Ra trường, làm công chức trong Viện Khoa học Việt Nam với mức lương 800.000 VND/tháng, sống trong một căn gác xép chật đến nỗi mà anh hài hước kể mỗi khi thay áo phải thò tay ra cửa sổ, tài sản duy nhất của hai vợ chồng là 2 chiếc xe đạp, sau cũng bị mất trộm cả hai. Anh tự đặt ra mục tiêu cho mình trong 10 năm tới sẽ có nhà riêng.
Với một người không có “dù che”, không có chỗ dựa về tài chính, trí tuệ dưới mức trung bình (theo lời anh), mục tiêu xem ra rất xa vời. Hàng tháng mỗi khi lĩnh lương, anh Hùng đều cầm những đồng tiền vừa lĩnh, đứng trước gương tự vấn bản thân: Không lẽ giá trị của mình chỉ có vậy thôi sao? 5 năm, 10 năm nữa cuộc sống của mình sẽ như thế nào?
Một buổi sáng trong khi quan sát những nhân viên lâu năm của Viện Khoa học Việt Nam, anh chợt nhận ra tương lai phía trước của mình sẽ về đâu. Ý muốn nghỉ việc bắt đầu le lói trong đầu anh. Anh đem ra bàn với người thân, thì gặp phải sự phản đối kịch liệt của mọi người. Quan điểm sống an phận rất phổ biến trong thời bao cấp. Sau sự kiện đó, anh Hùng rút ra bài học: Nếu muốn làm việc gì cứ lẳng lặng mà làm, còn nếu không muốn làm hãy đem ra bàn với mọi người.
Giot nước tràn ly trong một lần anh Hùng lên Ba Vì và gặp một người có một đàn bò sữa. Người này cho biết mỗi con bò đem lại thu nhập 2 triệu VND cho ông ta mỗi tháng. Anh Hùng như người nằm mê tỉnh giấc sau khi làm một phép so sánh đơn giản: 800 nghìn nhỏ hơn 2 triệu, vậy rõ ràng mình không bằng một… con bò.
Sự kiện đó đã giúp anh gặp được con-người-phi-thường trong chính bản thân mình. Một người tầm thường sẽ hèn nhát mà không dám thay đổi, người phi thường hiểu rất rõ tất cả những điều mình mong muốn đều nằm ở ngoài-vùng-thoải-mái. Bạn sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu nếu không tự mình thay đổi. Anh Hùng lẳng lặng rời khỏi Viện Khoa học Việt Nam sau 2 tháng làm việc.
Cuộc gặp gặp gỡ định mệnh với Napoleon Hill
Khi bỏ việc, anh hoàn toàn chưa có các định hướng tiếp theo cho cuộc đời. Biết nếu không tự bức phá khỏi cuộc sống cũ, sẽ không bao giờ đạt được mục đích, nên để tăng quyết tâm, anh đã hành động theo phương châm qua sông đốt thuyền. Trong hai tháng đầu, anh thực sự hoang mang, có lúc đã phải tự hỏi bản thân: Liệu mình có sai không?
Vốn là người yêu thích đọc sách, trong lúc đang bối rối, anh đã có cuộc “gặp gỡ” định mệnh với Napoleon Hill thông qua cuốn sách Nghĩ giàu và làm giàu của ông. Lần đầu tiên anh hiểu tiền bạc không chỉ là những tờ giấy đơn thuần mà còn là các giá trị vô hình như ý tưởng, năng lượng, là sản phẩm của trí tưởng tượng và suy nghĩ,.... không chỉ là sự nỗ lực làm việc đơn thuần. Và để biến các giá trị vô hình đó thành đồng tiền thực sự cần phải thông qua một quá trình gọi là kinh doanh.
Anh Hùng tra cứu các loại từ điển thì được biết việc biến nhu cầu của người khác thành cơ hội kiếm tiền tức là kinh doanh. Vậy điểm mấu chốt ở đây là phải tìm ra nhu cầu của những người xung quanh. Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, mọi người Hà Nội đều mơ ước có một cái xe máy. Nơi buôn bán xe máy phổ biến nhất ở Hà Nội lúc bấy giờ là ở chợ xe máy trên phố Quán Sứ.
“Chân lý” đã được tìm ra, anh Hùng lập tức bắt tay vào hành động. Anh ra chợ và tự nguyện làm không công cho mọi người đang buôn bán ở đây. Anh lăn xả vào công việc, ai sai gì cũng làm với mục đích học nghề bằng chính những trải nghiệm thực tế. Triết lý muốn thành công trước hết phải cho đi điên cuồng đã hình thành từ thời kỳ này và nó đã theo anh suốt cả một chặng đường dài tiếp theo.
Sau 3 tháng làm không công, anh học được cách thương thảo, mua bán xe và trở thành một thương nhân thực thụ. Công việc mới đem lại thu nhập gấp 5 lần thời anh còn là công nhân viên chức. Ngay từ thời điểm này, anh Hùng đã ý thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền để đầu tư. Anh luôn sống ở mức thấp hơn thu nhập và nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc này. Có lần, vợ anh mua cho con chiếc đàn đồ chơi, đã mang về nhà, anh còn bắt chị phải đem trả lại…
Sau 3 năm lăn lộn trong chợ, anh Hùng từ một người môi giới xe máy đã trở thành một người bán hàng cừ khôi ở chợ. Thành công của anh phần lớn nhờ vào câu thần chú: Cách bạn bán quan trọng hơn cái bạn bán. Chính tôi và nhiều người đã từng chứng kiến cách bán hàng độc đáo của anh. Trong một lần đấu giá để làm từ thiện tại Câu lạc bộ Sống với đam mê, với những vật rất bình thường nhưng nhờ vào tài kể chuyện của anh đã thu về số tiền lên tới hơn 100 triệu VND.
Cuộc sống gắn bó với chợ xe máy của anh sẽ cứ thế trôi đi, nếu không có một cuộc gặp gỡ định mệnh tiếp theo…
“Chắc ai cũng bảo là anh… ngu”
Một hôm, anh đang đứng ở chợ xe máy, thì xảy ra một sự việc “kinh thiên động địa”. Một người đàn ông nói chuyện oang oang giữa chợ bằng chiếc điện thoại cầm tay to gần bằng cục gạch. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía ông ta, trong đó tất nhiên có cả cặp mắt của anh Hùng. Chiếc điện thoại ông ta cầm trên tay trị giá 14 triệu VND, những người buôn ở chợ khi đó chỉ dám dùng máy nhắn tin giá 1 triệu VND. Anh Hùng nhẩm tính, nếu ông ta cho phép mình dùng cái điện thoại này, thì chắc chắn thu nhập trong tháng của người này phải mua được vài chiếc điện thoại như thế.
Người đàn ông, sau khi mua mấy chiếc xe máy, liền đi về. Mọi người trong chợ lại trở về công việc cũ, sự ngạc nhiên dường như không còn đọng lại trong đầu của họ. Riêng anh Hùng thì không. Anh lập tức đi theo người đàn ông đó để tìm hiểu, đến số 7 Hàng Dầu, thì được biết ông ta là giám đốc một văn phòng du lịch và cho thuê xe máy.
Anh Hùng không thiết tha gì chuyện buôn bán xe máy ngoài chợ nữa và lập tức đi khắp Hà Nội để tìm hiểu về loại hình kinh doanh này. Sau một thời gian ngắn tìm hiểu, anh được biết ở Hà Nội hiện đang có 5 cơ sở như vậy. Anh Hùng bỏ việc buôn bán ngoài chợ và mở ngay một văn phòng tương tự. Nhờ vào những bài học kinh doanh rút ra trong giai đoạn trước, chỉ trong 3 tháng, anh Hùng đã trở thành người dẫn đầu ở lĩnh vực mới thay vì 3 năm như trước đây.
Thương hiệu Deam Motorbike của anh đã được bầu chọn vào cuốn cẩm nang du lịch danh giá nhất; xuất hiện trong trang vàng của cuốn niên giám điện thoại của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xếp hàng đầu trong mạng thông tin 108 và trong danh sách dịch vụ phục vụ tại 450 khách sạn ở Hà Nội.
Để vươn lên vị trí dẫn đầu trong 3 tháng, anh đã đưa ra rất nhiều tuyệt chiêu marketing mà các bạn trẻ mới lập nghiệp ngày hôm nay vẫn có thể học tập như:
- Năm 1995, văn phòng của anh là nơi đầu tiên nghĩ ra việc in quảng cáo về dịch vụ của mình vào đề can dán và dán ngay ở bàn làm việc của các lễ tân của tất cả các khách sạn ở Hà Nội;
- Tờ rơi quảng cáo của Deam Motorbike từ năm 1995 đến nay vẫn còn lưu lại ở các khách sạn, đơn giản vì mặt sau của nó là các thông tin hữu ích dành cho khách du lịch như ăn gì, ở đâu,…
- Tặng các cô lễ tân bút bi có dán số điện thoại của công ty mình;
- Dán quảng cáo ở những khu vực có người nước ngoài sinh sống;
- Thông qua dịch vụ 108 (giống như 1080 ngày nay) để biết số fax và ngày quốc khánh của các nước có đại sứ quán ở Hà Nội, gửi fax chúc mừng nhân dịp quốc khánh và tất nhiên không quên giới thiệu dịch vụ của mình ở phía dưới;
- Mua niên giám điện thoại các công ty ở thành phố Hồ Chí Minh và gửi hàng ngàn bức thư tới các công ty đó, trên phong bì thư ghi Gửi các đồng chí hay ra Hà Nội công tác;
- Chiêu tuyệt mà anh tâm đắc nhất là mượn… báo Vietnam New để quảng bá. Khi đến tòa báo tìm hiểu đăng quảng cáo, anh được biết giá rất đắt - 25 USD cho một ô nhỏ trên một số báo. Đi đường thẳng không hợp túi tiền, anh theo dõi rồi làm quen với bác đưa báo và đề nghị bác kẹp quảng cáo của mình vào trong mỗi tờ báo trước khi phát cho khách hàng. Mỗi tháng, anh chỉ phải trả bác 400.000 VND. Phi vụ diễn ra suôn sẻ, quảng cáo của anh đến tay người đọc trong vòng 3 tháng liền với giá rất rẻ.
Có thể thấy, lần kinh doanh này, anh thành công nhanh chóng là do nắm rất vững ai là khách hàng mục tiêu của mình và rất sáng tạo trong cách tiếp cận họ. Về chuyện này, tôi thắc mắc, trong buổi nói chuyện vẻn vẹn có vài tiếng đồng hồ, anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần là mình trí tuệ kém phát triển mà sao trong kinh doanh anh thông minh thế?
Anh cười: Chỉ riêng có anh mới biết mình kém, còn mọi người đều không nghĩ thế. Sự thực là để tìm ra cùng một phương án giải quyết, anh thường phải nghĩ lâu hơn người bình thường vài lần. Anh chỉ khác họ ở chỗ không bao giờ bỏ cuộc, chỉ nghĩ và nghĩ cho đến khi ra được phương án tối ưu nhất. Nếu nhìn vào kết quả, thì ít người bảo anh là kém thông minh, nhưng nếu nhìn vào quá trình vật lộn để ra kết quả của anh, thì chắc ai cũng phải bảo là anh… ngu.
Minh chứng hùng hồn về sự tuyệt đối đúng của triết lý cho đi điên cuồng
Chốt lại giai đoạn này, anh Hùng kể lại một phi vụ đã minh chứng cho sự đúng đắn của triết lý hãy cho đi điên cuồng của mình. Nhờ vào nó, anh đã có đủ tiền để mua căn nhà mơ ước trên phố Hai Bà Trưng.
Đó là vào năm 1999, công ty xi măng ở Hoàng Mai do người Pháp giúp xây dựng ở cách Hà Nội 250 km, gọi điện tới văn phòng của anh Hùng và hỏi về điều kiện, giá cả để thuê 30 xe máy trong vòng từ 2-3 năm. Biết đây là một hợp đồng lớn và chắc chắn họ cũng gọi cho nhiều đơn vị khác chứ không riêng gì mình, anh khất đến ngày mai trả lời.
Suốt đêm hôm đó anh trăn trở. Thông thường, người khác ở vào trong hoàn cảnh của anh sẽ đoán già đoán non giá mà các đơn vị khác sẽ đưa ra và đề nghị một mức giá thấp nhất có thể. Làm theo cách như thế, thì không đảm bảo chắc thắng và sẽ bị thiệt hại đáng kể - anh suy nghĩ.
Và triết lý cho đi điên cuồng lại giúp anh chiến thắng. Ngày hôm sau, anh đến tận nơi và đề nghị khách dùng miễn phí dịch vụ của mình trong 1 tháng, nếu thấy tốt thì mới ký hợp đồng dùng tiếp. Trong thời gian này, mọi hỏng hóc, thậm chí mất mát xe máy phía bên anh Hùng sẽ chịu hết. Ngoài ra, anh còn cam kết phục vụ tốt nhất có thể. Liệu khách hàng nào có thể cưỡng nổi một đề nghị hấp dẫn như vậy?
Tất nhiên, để tránh rủi ro, anh Hùng cũng có một số động tác, ví dụ trang bị khóa càng và bắt đối tác cam kết khi để xe ở bất cứ đâu cũng phải dùng khóa này. Và anh cũng thỏa thuận với một cửa hàng sửa xe ở địa phương, bất cứ khi nào khách thuê mang xe đến sửa đều nói mình là một chi nhánh của công ty anh và ghi lại số tiền để cuối tháng anh thanh toán. Mọi việc rất kín kẽ, lời nói đi đôi với việc làm. Và tất nhiên, cuối cùng công ty của Pháp không thể không ký hợp đồng với anh.
Số tiền thu được từ hợp đồng này tương đương với 100 cây vàng, vừa đủ để mua căn nhà mơ ước trên phố Hai Bà Trưng. Niềm vui chưa kéo dài được bao lâu, thì anh Hùng phát hiện ra mình vừa mắc một sai lầm… nghiêm trọng.
Robert Kiyosaki: Anh đã bỏ phí 10 năm cơ hội!
Ảnh chụp cùng Robert Kiyosaki (tác giả cuốn Dạy con làm giàu) ở khóa học Người giàu làm giàu như thế nào? tháng 05/2009
Mua xong nhà thì cũng là lúc anh hết tiền, công việc kinh doanh không thuận lợi, xe máy Trung Quốc tràn sang Việt Nam rất nhiều, giá thuê xe rớt rất nhanh… Cộng thêm một số biến cố trong gia đình, đứa con mới sinh nằm ở ranh giới của sự sống cái chết, để cứu sống cháu phải cần gấp một khoản lớn tiền mặt mà anh không có. Các biến cố đó buộc anh Hùng phải nhìn nhận lại quãng đường đã qua đồng thời tự ra quyết định mình phải trở nên thật giàu có để có thể bảo vệ được cuộc sống của những người mình thương yêu.
Và lần này, người làm cho anh sáng mắt chính là Robert Kiyosaki thông qua cuốn Dạy con làm giàu (13 tập); Lời khuyên của người cha giàu... Khi đọc về việc dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư, anh phát hiện quyết định mua nhà của mình thật ngu xuẩn. Anh đã mua một căn nhà mà mình muốn ở, chứ không phải là một căn nhà có khả năng sinh lời tốt. Đây thực sự là tiêu sản chứ không phải là tài sản.
Cái sai của anh trong suốt 10 năm đầu lăn lộn trong thương trường là không biết sử dụng tiền, lực của người khác, mà chỉ dùng trí và lực của mình. Không những thế còn tự hào mình là người chưa từng vay mượn, coi nhà ở là tài sản và cứ nghĩ rằng có an cư mới lạc nghiệp. Anh biết, trên con đường đi tới sự giàu có của mình, anh mới làm đúng một nửa. Anh đã làm theo cách của người giàu, nhưng không phải là cách của những người giàu nhất.
Để khắc phục cái sai đó, anh đã thế chấp căn nhà đang ở để vay ngân hàng và dùng tiền đó đầu tư vào các bất động sản có khả năng sinh lời cao. Nhờ vào cách này, trong gần 10 năm qua, anh đã nhân căn nhà đầu tiên thành 20 bất động sản nữa.
Ảnh chụp cùng bà Kim Kiyosaki (vợ Robert Kiyosaki) tác giả cuốn Rich Woman
Tôi có thắc mắc, thực chất việc thế chấp nhà để vay ngân hàng mua bất động sản cũng có rủi ro cao, lỡ bất động sản mình mua không tăng giá như dự tính để bù lãi suất ngân hàng thì sao? Anh giải thích, trong kinh doanh không thể không có rủi ro, nhưng do tuân thủ tuyệt đối quy tắc 100-10-3-1, nên hầu như anh chưa phạm phải sai lầm đáng tiếc nào.
Anh cho biết, trước khi tham gia vào kinh doanh bất động sản, bạn phải nhúng mình thực sự vào môi trường này. Tức là hãy thử kinh doanh ảo theo quy tắc 100-10-3-1. Đi xem 100 cái bất động sản, chỉ chọn để trả giá 10 cái. Trong 10 cái trả giá, chuẩn bị tiền để mua 3 cái và trong 3 cái chuẩn bị tiền mua, chỉ mua được 1 cái. Tuy nhiên, phải theo dõi đến cùng cả 100 bất động sản đã xem, cho đến khi nó được bán đi. Theo dõi là để nhận định lại sự đúng sai trong những đánh giá trước đây của mình.
Quá trình này sẽ giúp người mới bước chân vào con đường này có thể định giá bất động sản một cách chính xác nhất. Thời gian kinh doanh ảo kéo dài tùy vào sự nhanh nhạy của mỗi cá nhân, nhưng thường không ít hơn 6 tháng.
Sau khi có thể định giá chính xác được bất động sản, hãy bước chân vào kinh doanh ở lĩnh vực này. Việc định giá tốt, khiến bạn tránh được nhiều rủi ro khi mới kinh doanh. Đây cũng chính là cách mà Robert Kiyosaki dạy trong cuốn Dạy con làm giàu.
Ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng đòn bẩy tài chính và để có thể sử dụng công cụ này một cách hiệu quả, không để cơ hội vuột mất, người làm kinh doanh phải có tiền đúng thời điểm. Vì hai lý do đó, anh Hùng đã cho ra đời dịch vụ tài chính 115 – có nghĩa là cấp cứu tài chính vào năm 2002. Nhờ dịch vụ này, anh lại có cơ hội tiếp cận với giới kinh doanh bất động sản. Hai mảng bổ trợ cho nhau, đến nay, anh Hùng thực sự trở thành người có uy tín ở cả hai lĩnh vực trên.
Đúc kết các bài học thành công
Ảnh chụp cùng T. Harv Eker tại khóa học Tư duy triệu phú tháng 11/2009
Điều 1: Chọn bạn mà chơi
1.1 Muốn bay như đại bàng không chơi với bầy gà, muốn thành công phải chơi và học hỏi người thành công.
1.2 Tìm ra 6 người giàu nhất, giỏi nhất. Mỗi ngày gọi điện cho 1 người. Mỗi tuần gặp 1 người giỏi nhất. Một ngày nào đó tài sản của bạn sẽ bằng 6 người cộng lại chia cho 6.
Điều 2: Học
2.1 Học để trở thành một người marketing giỏi. Muốn marketing tốt bắt buộc phải sáng tạo. Sáng tạo chỉ đến khi bạn không chịu lùi bước và lúc nào cũng trăn trở về cái điều mình muốn đạt được. Cho đi điên cuồng là một trong những công cụ marketing tuyệt vời nhất.
2.2 Học để trở thành một nhà thương thảo đẳng cấp. Trong kinh doanh, không có những cái bạn muốn có mà chỉ có những cái bạn thương thảo được.
2.2.1 Để làm tốt việc này, bạn phải tạo một môi trường hợp tác giữa người bán và người mua bằng các mối quan tâm chung; tìm hoặc tạo ra sự không hoàn hảo của sản phẩm nếu là người mua và chỉ làm việc với người có khả năng ra quyết định.
2.2.2 Biết cách sử dụng ngôn ngữ của sự ảnh hưởng. Có 15 từ vàng, bạn có thể sử dụng để mặc cả. Đó là: Cái giá thấp nhất mà anh (chị) có thể GIÚP ĐỠ cho tôi là bao nhiêu? Trong mỗi con người đều có mong muốn được giúp đỡ người khác. Còn khi bạn là người bán bị rơi vào tình huống này có thể trả lời như sau: Tôi rất muốn giúp nhưng giá chị đưa ra không có lãi.
2.3 Học để trở thành nhà lãnh đạo cừ khôi. Người lãnh đạo phải biết cách để người khác đi theo mình, chắp cánh, và khích lệ nhân viên, phải thấm nhuần tư tưởng, lãnh đạo là TRÁCH NHIỆM chứ không phải là chức vụ. Và hơn ai hết họ phải biết cách sử dụng công cụ đòn bẩy một cách cừ khôi.
Điều 3: Nguyên tắc sống của người giàu
3.1 Rõ ràng. Biết mình muốn gì? Mục tiêu trong từng giai đoạn là gì?
3.2 Tập trung: Khi đã có mục tiêu phải toàn tâm toàn ý. Khi tập trung cao độ sẽ lóe lên những ý tưởng táo bạo.
3.3 Ra quyết định: không phải mọi quyết định đều đúng nhưng thời gian sẽ chứng minh cho bạn thấy đa số quyết định là đúng.
3.4 Làm việc chuyên nghiệp: Việc ra một đồng, cũng phải làm chuyên nghiệp.
3.5 Lời nói đi đôi với việc làm: Nói những điều mình làm và làm những gì mình nói.
Điều 4: Tập-Tập-Tập
Trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì, đặc biệt là kinh doanh, các bạn đều phải tập. Sau lần tập thứ nhất, bạn sẽ mắc lỗi. Sau lần tập thứ 2 mắc lỗi ít hơn. Sau lần tập thứ 3, bạn mới có thể thành công. Kinh doanh ảo về bất động sản theo quy tắc 100-10-3-1 là minh chứng hùng hồn nhất cho điều này. Thành công là sự nở hoa trong nhọc nhằn.
Trong khuôn khổ của buổi nói chuyện vài tiếng đồng hồ, chắc chắn anh Hùng chưa thể chia sẻ hết được những bài học thành công của mình, hy vọng một ngày không xa, anh Hùng sẽ hoàn chỉnh bản “điều lệ của người giàu” để chia sẻ với các thành viên hoclamgiau.vn.
Kết thúc phần này, tôi muốn luận và giải thích thêm về điều 3.4 – Làm việc chuyên nghiệp trong bản “điều lệ” của anh Hùng: Nếu để ý, các bạn có thể thấy cụm từ “Nguồn nhân lực Việt Nam thiếu chuyên nghiệp” thường xuyên xuất hiện trên báo chí. Có thể nói đây là một “quốc nạn” của Việt Nam.
Tuy nhiên, anh Hùng là một trường hợp ngoại lệ. Tất cả các công việc từ nhỏ đến lớn của anh đều được anh soạn thảo thành quy trình (không khác gì quy trình ISO của các công ty lớn). Anh cho tôi xem quy trình làm việc của các nhân viên trong văn phòng cho thuê xe máy mà anh đã soạn thảo từ gần 20 năm trước đây, việc dọn dẹp văn phòng, công việc của người trông xe, … đều được anh soạn thảo cụ thể từng bước.
Đôi khi chúng ta, cứ nghe đến 2 từ chuyên nghiệp là lập tức hình dung ra một khu công nghiệp sạch sẽ với các trang thiết bị hiện đại, bóng loáng, nhân viên 10 người như một đều ăn mặc đồng phục… Thực chất đó chỉ là hình thức bên ngoài. Bản chất của việc chuyên nghiệp đơn giản chỉ là những việc bạn làm thường xuyên, có tính chất lặp đi lặp lại phải được mô tả từng bước. Mỗi ngày bạn hoàn thiện một chút, để cho mỗi thao tác đều trở thành tối ưu. Khi tất cả các thao tác tối ưu, có nghĩa bạn đang làm việc chuyên nghiệp. Để tạo ra năng suất lao động cao cho toàn xã hội, thì tất cả mọi người đều phải làm việc chuyên nghiệp, cho dù bạn là công nhân vệ sinh hay là một bác sĩ, kỹ sư.
Anh Hùng là điển hình của một người luôn làm việc chuyên nghiệp. Tất cả mọi người Việt Nam, nếu đều làm việc giống như anh, tôi tin chắc rằng, tất cả các sản phẩm/dịch vụ của chúng ta sẽ giống như sản phẩm/dịch vụ mà người Đức làm ra.
Trở thành Cha giàu của nhiều người
Ảnh chụp cùng ông Bellum Tan ở tại Văn phòng Rich Dad Asia
Sau 20 năm bươn trải trên thương trường, anh Hùng đã trở thành một người giàu có. Không dừng lại ở đây, anh tự đặt ra cho mình sứ mệnh giúp cho những người xung quanh cũng trở nên giàu có như mình. Rất nhiều người tự nhận là học trò của anh và đã đạt được thành công trong cuộc sống.
Chúng tôi được xem rất nhiều bức thư, của rất nhiều người, trẻ có, trung niên có, xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau, bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với anh Hùng – người mà họ kính trọng đặt tên là Cha giàu.
Trong phần 2 của bài viết, chúng tôi sẽ chuyển tải đến các bạn trích dẫn của các bức thư và kể lại câu chuyện thành công của họ nhờ vào những lời khuyên của người Cha giàu – Ngô Quang Hùng của mình. Trân trọng mời các bạn đón đọc.
BBTHLG,
Contact:
Công ty dịch vụ tài chính 115
Địa chỉ: 22A - Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm - Hà Nội
Điện thoại: 0913.86.86.86 - 0903.453.454 - (04) 39.36.35.01 - (04) 38.24.64.60
Hòm thư: taichinh115@gmail.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét